Anh Lê Văn Sỹ cho biết: Rơm là thứ bỏ đi sau khi thu hoạch lúa, nhưng với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi bò thì lại cần thiết, bởi họ mua về làm nguồn thức ăn dự trữ trong thời gian mùa Đông khan hiếm thức ăn thô. Nắm bắt được điều đó, tôi đầu tư 300 triệu đồng mua 1 máy thu gom rơm đa năng, đồng thời thuê nhân công đi thu gom rơm trên các cánh đồng.
Anh Lê Văn Sỹ cho biết, 1 bó rơm như thế này bán cho các công ty chăn nuôi bò với giá 15.000 - 20.000 đồng. Ảnh: Xuân Hoàng
Rơm được thu gom đưa lên các trục đường nội đồng để phơi nắng. Sau khi được phơi khô, điều khiển máy đến cuốn thành từng bó tròn, chặt như khúc gỗ, mỗi bó có trọng lượng gần 20 kg, dùng xe công nông chở về tập kết một chỗ, chờ xe ô tô đến vận chuyển.
Mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi đại gia súc trong và ngoài tỉnh đến thu mua rơm về làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò, nên lượng tiêu thụ rơm lớn. Ảnh: Xuân Hoàng
"Yêu cầu là rơm phải được phơi khô, sáng đẹp, không bị mục nát, do vậy mình phải tranh thủ thời tiết nắng ráo để thu gom, nếu mưa xuống là không thể. Thời điểm này, mỗi ngày tôi có thể thu gom được từ 150 - 200 bó rơm, gom được 4 - 5 ngày gọi xe đến vận chuyển, bán cho các công ty chăn nuôi bò với giá 15.000 đồng/bó, trừ chi phí thuê nhân công, dầu máy... tính ra tôi có thể lãi tiền triệu/ngày" - anh Lê Văn Sỹ cho hay.
Hiện nay có nhiều nông dân trên địa bàn Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu... làm nghề thu gom rơm để bán cho các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi trâu bò, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, nhưng số người đầu tư mua máy cuộn rơm như anh Lê Văn Sỹ không nhiều. Chủ yếu bà con thu gom, phơi khô, tấp đống lên xe, nên cồng kềnh, không thuận lợi trong quá trình vận chuyển, hiệu quả không cao.