Ngồi nhà kiếm chục triệu đồng/tháng
Mới đây, tại fanpage “Hội mẹ bỉm sữa tìm việc làm tại nhà thu nhập khủng”, một thành viên đăng tải nội dung: “Em đang rảnh, ai có công việc làm trên máy tính không, lương trả trong ngày càng tốt”. Lập tức sau đó hơn 100 lượt bình luận vào giới thiệu đang tuyển dụng nhiều công việc với mức lương rất hấp dẫn như: đọc báo soát lỗi online với giá 800.000 đồng/3 giờ đồng hồ; cộng tác viên bán sản phẩm online tại nhà với chiết khấu cao, lương từ 10-20 triệu đồng/tháng; viết bài đánh giá sản phẩm cho website bán hàng kiếm khoảng 300.000 đồng/2 giờ đồng hồ hay tuyển quản lý kinh doanh tại nhà, không cần vốn, không cần đi lại, không cần bằng cấp, rảnh làm bận nghỉ, chỉ cần 3-4 tiếng/ngày là thu về hàng chục triệu đồng/tháng…
Khi đóng tiền tham gia hệ thống, ứng viên sẽ được nhận những tờ phiếu ghi “đã nhận hàng” nên rất khó có cơ sở đòi lại tiền (ảnh nạn nhân cung cấp) |
Không chỉ trang này, những lời rao tuyển dụng “việc nhẹ, thu nhập khủng” đang tràn ngập trên mạng xã hội. Những mẩu rao tuyển này phần lớn là dụ dỗ người tuyển dụng bán hàng đa cấp để hưởng hoa hồng hoặc lừa người tuyển dụng đóng lệ phí.
Liên hệ đến địa chỉ đăng mẩu rao tuyển quản lý kinh doanh tại nhà, chúng tôi được một người tên Khoa giới thiệu rằng, chỉ cần có điện thoại là có thể kinh doanh bất kỳ nơi đâu, số tiền kiếm được lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng. Sản phẩm mà chúng tôi làm quản lý là những video bài học về mô hình kinh doanh Edunetwork.
Để xem được những video này, chúng tôi phải bỏ tiền ra mua. Theo đó, video “tư duy thịnh vượng” có giá 50 USD, video “kỹ năng bán hàng” có giá 200 USD, video “marketing” có giá 500 USD, video “quản lý kinh doanh” có giá 1.000 USD, video “phát triển bản thân” có giá 2.000 USD. “Nếu mua video “phát triển bản thân” với giá 23,5 triệu đồng thì chị sẽ có quyền xem các video còn lại. Sau đó, chị bán những bài học trên video này cho người khác với mức hoa hồng rất cao (đến 80%)” - Khoa lôi kéo chúng tôi. Đồng thời, người này còn gửi thêm hình ảnh nhiều người được cho là các nhà quản lý bán hàng đếm tiền, tậu xe, tậu nhà vì bán được video nhanh chóng.
Liên hệ đến các mẩu quảng cáo rao tuyển cộng tác viên bán mỹ phẩm online tại nhà với mức lương từ 6-9 triệu đồng/tháng, chúng tôi được hẹn đến một văn phòng không có tên, địa chỉ A33 đường số 3, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TPHCM để phỏng vấn. Tại đây, người tuyển dụng khuyên tôi tham gia vào hệ thống của họ, lấy mỹ phẩm về bán và đóng phí 12.750.000 đồng. Người phụ nữ ấy ngon ngọt khẳng định chỉ cần tham gia vào hệ thống bán hàng này thì sẽ ngồi nhà
đếm tiền.
Còn với những mẩu rao tuyển làm thêm tại nhà khác như thợ cắt mác quần áo, chia sẻ link, nhập mã, đăng bài facebook, xâu vòng… khi chúng tôi liên hệ đều yêu cầu phải chuyển tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đặt cọc thì mới giao việc cho làm. Không ít người nhẹ dạ chuyển tiền, sau đó bị các đối tượng này chặn liên lạc.
Đóng tiền thì dễ, đòi lại tiền gian nan
Luật sư Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hóa đơn nhưng không giao hàng. Để ngụy trang, họ thường cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống hoặc đóng dấu “đã nhận hàng” vào hóa đơn xuất cho người nộp tiền.
“Sau một thời gian người nộp tiền không được tham gia vào hệ thống, không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn rút lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện nạn nhân đã nhận hàng hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại” - luật sư Võ Đan Mạch nói.
Mới đây, nạn nhân N.T.T.K. (ngụ tổ 6, ấp 3, xã Thanh Sơn, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) gửi đơn khiếu nại đến Công an tỉnh về việc nộp tiền vào công ty tuyển dụng nhưng không rút lại được. Theo đó, K. nhặt được tờ rơi tuyển nhân viên phụ soạn hàng tại đại lý với mức lương khá hấp dẫn. Ngày 23/3/2020, K. đến phỏng vấn tại Công ty kinh doanh Hoàng Tấn Phát (ấp 1, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Sau ba ngày học việc, để trở thành nhân viên chính chức, K. phải trải qua thử thách là mua một đơn hàng trị giá 7,9 triệu đồng. Sau khi đóng đủ tiền, K. được mời tham gia vào một câu lạc bộ có tên 126 với hứa hẹn sẽ giúp K. tăng thêm thu nhập gấp ba lần và phải tham gia vào câu lạc bộ mới được học các khóa đào tạo kỹ năng. Điều kiện tham gia câu lạc bộ là K. phải mua tiếp hai đơn hàng mới trị giá 16,2 triệu đồng.
“Lúc này, tôi không có khả năng về tài chính thì cấp trên tư vấn tôi vay bạn bè, người thân, cầm xe. Do muốn có công việc và thu nhập ổn định như họ giới thiệu, tôi đã mượn tiền để tiếp tục mua đơn hàng” - K. kể lại.
Ngay khi hoàn thành, K. lại được mời gọi phải tham gia thêm một câu lạc bộ có tên Doanh Nhân thì mới được hưởng quyền lợi. Do không còn khả năng về tài chính, K. được cấp trên giới thiệu vay ngân hàng số tiền 28,5 triệu đồng để đóng vào công ty.
“Sau đó, họ cho rằng số tiền này vẫn chưa đủ để tôi vào câu lạc bộ nên giới thiệu tôi vay tiếp tại một ngân hàng khác 20 triệu đồng nữa. Họ luôn hối thúc tôi rút tiền và đem lên công ty đóng ngay để được hưởng quyền lợi. Lúc này, tôi thấy hoang mang vì nếu vay tiếp thì số tiền mua sản phẩm quá lớn so với khả năng tài chính của tôi. Tôi tìm hiểu thêm thì biết đây là hành vi kinh doanh đa cấp bất chính nên không nộp tiền nữa. Tôi lên công ty xin nghỉ việc và rút lại số tiền đã đóng thì họ nói rằng không rút lại được” - chị K. đau khổ trình bày.
Theo đó, những hóa đơn chị K. nhận được đều đóng dấu “đã nhận hàng”, điều này chứng tỏ chị K. đã đồng ý mua hàng với số tiền đã bỏ ra nên sẽ rất khó có cơ sở đòi lại.
Cách nhận diện tuyển dụng lừa đảo đa cấp
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) - hiện có thực trạng doanh nghiệp xin được giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp nhưng sau đó lại bán những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Do đó, khi chấp nhận lấy hàng về bán, nên kiểm tra xem những mặt hàng đó có được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, giấy phép lưu hành, tiêu chuẩn chất lượng… hay không.
Luật sư Võ Đan Mạch cho biết thêm, các mẩu rao đăng tuyển dụng lừa đảo, có “mùi” đa cấp đều ghi chung chung việc làm với mức lương cao, chỉ ghi số điện thoại liên hệ và không hề có địa chỉ nơi tuyển dụng. Người đi xin việc có thể nhận biết hành vi bán hàng đa cấp bất chính nếu doanh nghiệp đó dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống. Chi phí này được yêu cầu dưới nhiều hình thức như nộp tiền làm thủ tục, nộp tiền đặt cọc, yêu cầu mua một lượng hàng nhất định với giá cao hơn thị trường, nộp tiền làm thẻ nhân viên, mua tài liệu đào tạo… Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công nếu người tham gia giới thiệu được thêm người khác. Do đó, nếu tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp mà có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng chứ không phải trả hoa hồng từ kết quả bán hàng thực sự từ hàng hóa thì đó là bán hàng đa cấp bất chính.
Một đặc điểm nữa để nhận dạng đa cấp lừa đảo bất chính là các đối tượng sẽ nói quá về cơ hội làm giàu, về công dụng sản phẩm, quy mô và sức mạnh của doanh nghiệp… Hình thức nói quá này thường nhắm đến những người có nhận thức hạn chế, nghĩ rằng mình làm việc cho doanh nghiệp quốc tế, cảm thấy tự hào và càng làm tăng độ tin cậy.
“Hiện chỉ có 22 doanh nghiệp hoạt động đa cấp chính thức, tất cả đều công khai trên website của Cục Cạnh tranh. Nếu người tham gia bán hàng đa cấp phát hiện doanh nghiệp nào có những dấu hiệu vi phạm nêu trên, hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số 25 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội; địa chỉ email: vcca@moit.gov.vn; điện thoại: 024.2220.5002 để cục có căn cứ xem xét và xử lý hành vi vi phạm. Mọi thông tin của người khiếu nại và tố cáo đều được bảo mật theo quy định” - ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6557141a-91-divoc-hcid-aum-ahn-iat-meht-mal-gnud-neyut-caig-hnac/nv.moc.enilnounuhp.www