Mặc dù Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, quán ăn được kinh doanh trở lại sau thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến phố lớn, sầm uất như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại, ... vẫn đang đóng cửa.
Dịch bệnh khiến người tiêu dùng hạn chế đến các cửa hàng, nhà hàng và ít đi du lịch, khiến nhiều chủ nhà hàng, quán ăn lao đao.
Những cửa hàng im lìm đóng cửa vì doanh thu không đủ chi phí trang trải nếu hoạt động. Ngoài vắng khách thì việc thuê mặt bằng với giá cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng ngừng kinh doanh.
Nhiều hàng quán vẫn chưa sẵn sàng mở cửa lại trong đợt nới lỏng giãn cách lần này của Đà Nẵng.
Những dãy hàng quán vốn trước đây rất sầm uất, nhộn nhịp thì nay phải im lìm đóng cửa vì vắng khách du lịch.
Doanh thu giảm sút khiến các chủ cửa hàng "đau đầu" tìm cách khắc phục khó khăn, hoặc phải tạm nghỉ để giảm chi phí.
Hầu hết các cửa hàng bán đặc sản đều vẫn đang "bất động" vì chưa có khách du lịch.
Theo anh Nguyễn Văn Long, chủ 1 nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng, dịch bệnh khiến tâm lý của người dân ngại đi ăn uống và vắng khách du lịch khiến hầu hết các cửa hàng tại đây đều vắng khách và ế ẩm. "Tiền thuê mặt bằng và nhân viên hàng tháng đều phải trả mà không có khách nên tôi thà đóng cửa tạm nghỉ để đỡ chi phí chứ mở ra thì đủ các thứ tiền phải trả, càng lỗ thêm", anh Long chia sẻ.
Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hàng quán đã buộc phải đóng cửa trả lại mặt bằng kinh doanh hoặc sang nhượng lại.
Không khó để bắt gặp những tấm biển cần sang nhượng lại quán, mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố ở Đà Nẵng trong thời gian này.
Bên cạnh đó, nhiều hàng quán tại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu dọn dẹp để mở bán trở lại.
Đa số các cửa hàng, quán ăn mở bán trở lại chủ yếu nằm ở những khu phố nhỏ và đối tượng phục vụ nhắm đến là người dân địa phương.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thì ngành dịch vụ này đang chật vật vì đối mặt với giảm cả về số lượng và "chất lượng" hóa đơn.
Khương Mỹ
Trí Thức Trẻ