vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất khẩu vào EU ít có khả năng đột biến

2020-09-12 15:31

Xuất khẩu vào EU ít có khả năng đột biến

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) - Chỉ trong một tháng, tính từ ngày 1-8, Việt Nam đã cấp trên 7.200 chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu đô la Mỹ xuất khẩu vào EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hiện tại, không có nhiều hy vọng hiệp định này sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến.

Thị trường lạ mà quen đang tụt dốc

Không thể phủ nhận EVFTA đã mở ra cơ hội chưa từng có để hàng Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU).

Cho dù vậy, đây đã là khu vực thị trường mà các doanh nghiệp nước ta “đào bới” từ rất lâu, nhưng những năm gần đây lại trên đà tụt dốc.

Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu sang EU có bước tăng đột biến trong năm 1997, chiếm tới 17,5% “rổ hàng hóa xuất khẩu” của Việt Nam ra thị trường thế giới và năm 1998 đạt kỷ lục 22,2%, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Tiếp theo, trải qua nhiều thăng trầm, ngôi vị số 1 lại được tái lập trong hai năm 2012 và 2013, nhưng từ đó đến nay liên tiếp giảm sút, cho nên phải nhường ngôi vị này cho thị trường Mỹ.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong bảy tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng mạnh, đạt 39 tỉ đô la, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng khá, đạt gần 23,2 tỉ đô la Mỹ, thì thị trường EU28 (EU27 + Anh) lại giảm và chỉ đạt gần 22,2 tỉ đô la, chỉ còn chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xuất khẩu các nhóm hàng đã lần lượt tụt dốc cả về tương đối lẫn tuyệt đối.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông, thủy sản, năm 2014 Việt Nam xuất gần 29,6 tỉ đô la và năm 2019 tăng mạnh lên 38 tỉ đô la, nhưng thị trường EU thì chỉ “giậm chân tại chỗ” ở mức 4,6-4,7 tỉ đô la.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng gần như vậy. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu ra thị trường thế giới năm 2019 tăng hơn gấp đôi so với năm 2014, thì thị trường EU trong cùng kỳ chỉ tăng gấp rưỡi.

Những điều nói trên có nghĩa là, sau một chặng đường dài khai thác, thị trường EU đã trở thành động lực xuất khẩu lớn nhất của nước ta, nhưng vai trò đó gần đây đã ngày càng giảm rất rõ ràng.

Dường như nhu cầu nhập khẩu của EU đã tới điểm bão hòa. Số liệu thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy, tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới trong 10 năm gần đây tăng trưởng bình quân 1,57%/năm, trong khi thị trường EU28 lại giảm bình quân 0,01%/năm. Cũng trong thời gian này, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 6,25%/năm, của Mỹ tăng 1,7%/năm.

Khó hy vọng tăng đột biến

Trong bối cảnh như vậy, đương nhiên việc EVFTA bắt đầu có hiệu lực thi hành từ tháng 8 vừa qua là điều hết sức đáng mừng, nhưng những định danh kiểu như “con đường mới”, “con đường lớn đã mở” đều là những mỹ từ chẳng những không đúng với lịch sử thương mại của nước ta, mà còn có thể là những dự báo lạc quan thái quá.

Về mặt tích cực, với kinh nghiệm làm ăn từ mấy thập kỷ nay, các doanh nghiệp đã dạn dày kinh nghiệm khai thác thị trường này và nay họ lại được trang bị những “vũ khí” lợi hại hơn nhiều, cho nên chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường EU.

Bên cạnh đó, có lẽ cũng sẽ không sai khi kỳ vọng rằng, việc tuân thủ những quy định nghiêm ngặt trong toàn bộ quá trình sản xuất và chế biến nông sản để đạt được mức giá tốt hơn ở khu vực thị trường này sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta trong những năm tới.

Cho dù vậy, vẫn có không ít những nguyên nhân để cho rằng, xuất khẩu của nước ta vào khu vực thị trường này khó tăng đột biến trong thời gian tới.

Đó trước hết là, các hạn ngạch đối với những mặt hàng “nhạy cảm” chắc chắn đã được các nhà quản lý EU cân nhắc kỹ càng, bởi tuy có “ưu ái” chúng ta, nhưng cũng chỉ có giới hạn, vì không thể gây ảnh hưởng đáng kể đến những đối tác thương mại khác.

Tiếp theo, các rào cản thương mại khác, thuộc loại cao nhất thế giới, như kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp; khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp; quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm dệt may… chắc chắn sẽ làm khó chúng ta rất nhiều trong việc nhanh chóng mở rộng thị phần tại đây, bởi điều đó đồng nghĩa với việc tổ chức lại sản xuất, thu hút đầu tư... - chắc chắn sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Cuối cùng, thị phần không ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU trong những năm qua đã không hề nhỏ, nên cũng sẽ là rào cản trong việc tiếp tục gia tăng thị phần ở đây. Về phương diện này, xuất khẩu cà phê có lẽ là một thí dụ điển hình, bởi với khối lượng khổng lồ hơn 700.000 tấn/năm, riêng EU đã chiếm 42-44% tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới...

Tóm lại, trong thời điểm khó khăn chưa từng có như hiện nay, cho dù EVFTA là nguồn động lực quan trọng giúp chúng ta khôi phục xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn này, nhưng nhiều khả năng sẽ không thể tăng đột biến, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Xem thêm: lmth.neib-tod-gnan-ahk-oc-ti-ue-oav-uahk-taux/589703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất khẩu vào EU ít có khả năng đột biến”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools