Một số ngành xuất khẩu giảm
Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020. Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng 7 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng thấp nhất trong 8 năm qua.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bia giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 14%; ô tô giảm 12,5%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%...
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất trong 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 23,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 14%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%...
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tiêu biểu, khai thác quặng kim loại tăng 14,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,4%...
Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất xe có động cơ tháng 8 đã tăng 6,1% so với tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của ngành 8 tháng vẫn giảm 14% so với cùng kỳ. Sản lượng ôtô sản xuất tháng 8 ước đạt 25,9 nghìn chiếc, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ. Từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ôtô trong nước.
Theo bộ Công Thương, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể, đồng thời dịch bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Về xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm mạnh nhất, giảm 34,5%, ước đạt 2,013 tỷ USD. Trong nhóm hàng này, dầu thô là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với 3,35 triệu tấn, trị giá 1,109 tỷ USD, tăng 22,4% về lượng nhưng giảm 21,2% về trị giá do giá giảm.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản cũng giảm 4,6% so với cùng kỳ, ước đạt 15,98 tỷ USD. Chỉ có nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ, tăng 2,3% so với cùng kì, ước đạt 147,096 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may chỉ có đơn hàng cho từng tuần
Theo báo cáo, sản xuất dệt tháng 8 tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành dệt may đóng góp gần 22 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung 8 tháng đầu năm nay, song vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019.
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 20120 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Đánh giá của bộ Công Thương cho thấy, tình hình thị trường dệt may thế giới trong quý III chưa nhiều dấu hiệu khả quan, thị trường chưa chuyển biến. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm cầu trong lĩnh vực sản xuất dệt may.