Trang đầu trong bản Kiều cổ phát hiện ở Anh - Ảnh NVH cung cấp
Đó là bản Kiều cổ bằng giấy dó, khổ 21x34cm vừa tìm thấy tại Thư viện Anh quốc (The British Library), được đánh giá bước đầu không chỉ dành cho vua, mà có thể toàn bộ chữ viết của vua Tự Đức kèm theo 146 bức tranh minh họa vô cùng sinh động.
Phần giới thiệu sách đề rõ: Có khả năng bản Kiều này thuộc sở hữu của một thành viên trong hoàng tộc. Năm 1924 nó được học giả Paul Pelliot mua, rồi qua tay, sau đó Thư viện Anh quốc mua lại.
Báu vật thi văn
Sách hấp dẫn người xem ngay từ phần bìa vải lụa vàng dệt rồng 5 móng (chứng tỏ bản dành cho vua), gáy đề "Kim Vân Kiều tân truyện (chữ Nôm), Hanoi 1894" (có khả năng năm 1894 là năm đóng tập lại bản sách này?).
Trong 146 trang nội dung được trình bày tương đồng, gồm: nội dung (viết tay) trích yếu, một số câu thơ Nôm, số trang và phần phụ chú bằng chữ Hán kèm theo bức tranh bằng mực tàu minh họa cho nội dung ấy. Hầu hết sự kiện đời Kiều đều được vẽ rất chi tiết, sinh động và thú vị, từ cảnh chị em Kiều gặp Kim Trọng, người thân, dung mạo, tài sắc, kể cả cảnh nàng Kiều tương tư, cuộc gặp Đạm Tiên, Kim Trọng...
Mấy năm trước, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa được bạn nước ngoài gửi bản chụp khiến ông vô cùng ngạc nhiên bởi sự độc đáo hiếm có. Khi so sánh lối vẽ, ông thấy không trùng khớp với cuốn Lục Vân Tiên kèm tranh minh họa phát hiện ở Pháp, từng trở thành hiện tượng "đình đám" khi công bố trước đây.
Ông nói: "Tôi tin đọc kỹ văn bản chữ Nôm này thì có khả năng chúng ta có bản Kiều sát với nguyên gốc thời kỳ đầu Nguyễn Du sáng tác. Đặc biệt ở đây, truyện Kiều được phân khúc và trở thành tác phẩm hội họa thực sự chứ không chỉ mang tính minh họa, có thể rất quan trọng đối với nền hội họa Việt Nam".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - càng ngạc nhiên hơn khi khảo cuốn cổ thư. Về nội dung, ông nhận định nhiều sự tương đồng với các bản khắc in thời Tự Đức (1847-1883), trong đó thú vị một số từ phát âm theo giọng Huế ở đây mà hoàng gia thường dùng. Trừ 2 trang đầu, 144 trang còn lại đều có phần nhận định nội dung trong trang bằng chữ Hán màu đỏ. Theo điển lệ, chữ đỏ này chỉ có vua mới dùng, gọi là "châu phê".
Khi đem so sánh chữ và nét ở chỗ "châu phê" và chữ mực đen, ông Trung bất ngờ nhận ra: "Tất cả các chữ (sắc, tài, là, xanh, hoa, liễu, xuân) đều cùng một lối công bút, vận bút để hình thành tự dạng. Ở đây, 7 nét cơ bản (chấm, ngang, sổ, hất, phẩy, mác, móc) đều được thể hiện rất thống nhất. Từ khởi bút, hành bút đến thu bút trong các chữ đều cùng một lối...". Điều đó dẫn đến phán đoán: chữ trong cổ thư cùng một người viết.
Từ những điều trên, ông Trung tin rằng: "Chính vua Tự Đức đã châu phê vào từng trang của bản Kiều này thì phần nội dung cũng là do vua Tự Đức chép". Theo ông: "Nếu quả đúng vậy, quyển Truyện Kiều này sẽ nhân nhiều giá trị về văn chương và thư tịch; về thư pháp và mỹ thuật. Đó đúng là một cổ vật có giá trị như một báu vật văn học gắn liền với tên tuổi những trí thức tinh hoa thời Nguyễn".
Ông Mai Khắc Chính kể khu đất được tổ tiên gìn giữ vì là nơi an táng Nguyễn Du - Ảnh: THÁI LỘC
Tìm nơi máu thịt nằm lại
Và không chỉ các bản Kiều cổ, càng gần ngày kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du qua đời, câu chuyện "vừa tìm ra nơi nguyên táng" đại thi hào tại Huế lại được bàn thảo sôi nổi trong giới nghiên cứu.
Trưởng chi hội Kiều học Bình Trị Thiên Mai Văn Hoan rất hào hứng dẫn chúng tôi đến ngôi nhà cổ số 180/2 Lý Nam Đế (TP Huế). Ngôi nhà xưa của quan đại thần Mai Khắc Đôn, là thầy dạy học, vừa là nhạc phụ vua Duy Tân. Hoàng phi Mai Thị Vàng theo vua xuất dương, không chịu nổi thời tiết xứ người đã xin phép trở về lại Huế, trú ngụ những năm cuối đời tại ngôi nhà này.
Ông Mai Khắc Chính, hậu duệ cụ Đôn, trầm ngâm kể: "Cha tôi, theo lời các cụ xưa, bảo rằng khu đất ngoài đồng kia chính là nơi nguyên táng ngài Du Đức Hầu, tức đại thi hào Nguyễn Du, vì vậy con cháu cố gắng chăm lo, gìn giữ".
Ông Chính cho biết hoàng phi Mai Thị Vàng, em ruột ông nội ông, đã cho khắc tấm biển ghi hai câu Kiều ngụ ý khuyên răn con cháu chăm lo khu đất máu thịt còn nằm lại của đại thi hào: "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời". Tiếc thay, vật xưa thất lạc mấy chục năm trước.
Chúng tôi theo chân ông Chính ra cánh đồng cách nhà chừng 300m, dưới con đường rợp bóng cau, tre tuyệt đẹp. "Chỗ um tùm là mộ của một bà phi vợ vua Minh Mạng, còn cạnh kia là nơi từng an táng Du Đức Hầu" - ông nói và cho biết cánh đồng từng là đất công của triều đình nằm trên địa phận làng An Ninh.
"Nơi từng an táng" là một đám đất vài chục mét vuông phủ đầy cây dại, những bụi hoa trắng li ti. Ngày xưa, người nhà họ Mai và dân sống quanh thường năm phát cỏ, nhang khói. Bẵng sau giai đoạn khốn khó, việc phát quang không còn được duy trì thường xuyên, song cũng không ai dám động vào khoảnh đất vốn là mộ địa, nên đến nay vẫn còn giữ trọn khuôn viên.
Tiếp tục việc làm hết sức ý nghĩa
Những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu nỗ lực tìm nơi nguyên táng, mang ý nghĩa lưu dấu kỷ niệm nơi đại thi hào mười mấy năm lưu kinh làm quan và cả "sáng tác truyện Kiều". Ông bị dịch tả qua đời tại Huế ngày 16-9-1820, được an táng tại làng An Ninh. Sách Đại Nam thực lục ghi về Nguyễn Du: "Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm tống".
Năm 1824, người con trai Nguyễn Ngũ (Ngụ) vào kinh, được triều đình cấp 300 quan tiền, đến cánh đồng Bàu Đá làng An Ninh lấy hài cốt về quê Tiên Điền. Lần đầu, hài cốt táng tại vườn nhà thôn Thuận Mỹ, đến 1826, gia đình xảy nhiều sự cố nên chuyển sang cách đó hơn 500m. Hai năm sau, nội tộc lại có chuyện, con cháu tiếp tục chuyển hài cốt sang táng ở vị trí hiện nay...
Ở cố đô Huế, địa điểm nguyên táng của đại thi hào mang ý nghĩa kỷ niệm luôn được quan tâm kiếm tìm. Cố bác sĩ Hồ Đắc Duy từng xác định điểm đó nằm ngay cánh đồng Bàu Đá sau chùa Thiên Mụ. Ý kiến này từng được đồng tình xen lẫn phản bác.
Đầu năm 2018, UBND TP Huế đã tổ chức tọa đàm việc xác định địa điểm nguyên táng của đại thi hào Nguyễn Du. Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Thừa Thiên Huế, đã trình bày gần như xác quyết về điểm gần nhà họ Mai kể trên, kèm theo đề xuất hình thành nơi tưởng niệm xây dựng tường bao, nhà bia, nhà tăng và các công trình phụ trợ... Một số người vui mừng đồng tình. Song một số ý kiến vẫn cho chưa đủ cơ sở xác tín.
Lãnh đạo UBND TP Huế đã kết luận: "Việc tìm lại địa điểm từng an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế là việc làm hết sức có ý nghĩa, tuy nhiên cần thận trọng" và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để lập hồ sơ xếp hạng di tích cùng các công việc tiếp theo.
Tranh vẽ dung mạo Nguyễn Du
"Lâu nay, những hình dung của người Việt về dung mạo Nguyễn Du đều xuất phát từ tưởng tượng mà có. Nay từ trang đầu tiên (Kim Vân Kiều tân truyện tiểu dẫn) của bản Kiều này là một hình ảnh mang thông tin thú vị: lần đầu tiên, chúng ta mới có một hình dung đầy đủ về dung mạo Nguyễn Du qua ký họa của triều Nguyễn. Bên trên trang này có 4 chữ Hán "Lễ tham Nguyễn Hầu", tức là chức danh viết tắt của Nguyễn Du, hữu tham tri bộ Lễ, tước Du Đức Hầu)" - nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung.
Kỳ tới: Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày
TTO - Sáng 24-2, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh phát động hai cuộc thi 'Sáng tác văn tế đại thi hào Nguyễn Du' và 'Bạn đọc thuộc Kiều'.
Xem thêm: mth.6570521221900202-yah-ohc-cogn-uig-gnav-nig-1-yk-uhn-ot-ohn-eht-uah-man-002/nv.ertiout