Thời gian qua, đồng tiền Việt chịu sức ép từ bất ổn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh chưa được kiểm soát, các nước liên tục tung ra nguồn cung tiền lớn chưa từng thấy và giá vàng liên tục biến động mạnh. Tuy nhiên, tiền đồng vẫn duy trì bền bỉ giá trị, qua đó giúp ổn định và duy trì tăng trưởng nền kinh tế.
Giữ vững giá trị
Nhìn về nền kinh tế từ đầu năm đến nay, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VN), mô tả một cách hình tượng: “Chúng ta hình dung nền kinh tế thế giới như đoàn tàu khổng lồ đang chạy tự nhiên thì bỗng nhiên con COVID-19 đứng ra bắt dừng lại và ai đang đứng ở đâu thì đứng ngay tại chỗ đấy. Sức va đập của đoàn tàu đang chạy khi phải dừng lại đột ngột là rất mạnh. VN cũng nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng chung. Nếu quý I-2020 VN còn tăng trưởng 3,8% thì đến quý II, thời điểm dịch bệnh tác động mạnh nhất, tăng trưởng chỉ còn 0,36%. Tính lũy kế sáu tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 1,81%, mức tăng thấp nhất trong vài thập niên trở lại đây”.
Sức ép này cũng tác động rất mạnh lên tiền đồng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ngay khi kết thúc quý I-2020, tỉ giá VND/USD đã vọt lên mức 23.560 đồng. Áp lực lên tiền đồng ngày càng tăng khi đất nước buộc phải tiến hành giãn cách xã hội một thời gian dài để tránh lây lan dịch bệnh, khiến các ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng, các chỉ số kinh tế suy giảm. Sau đó, cú tác động thứ hai là giá vàng thế giới tăng cao nhất mọi thời đại, dẫn đến có thời điểm giá vàng trong nước leo lên gần 63 triệu đồng/lượng.
TS Thiên đánh giá trong bối cảnh toàn cầu không mấy tích cực như vậy, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục neo chặt mốc 7 ăn 1 USD, trong khi nước ta có quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu lớn với Trung Quốc. Cộng thêm vào đó, đồng tiền của nhiều nước cũng xuống giá đã tạo ra bài toán rất khó cho tiền đồng cân bằng lợi ích thương mại, lạm phát.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, tiền đồng bắt đầu dịch chuyển xu hướng tăng giá so với đồng USD, đồng tiền chiếm tỉ trọng áp đảo trong rổ tiền tệ và dự trữ ngoại hối chủ yếu của VN. Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 27-7, tỉ giá tiền đồng và USD chỉ còn 23.090 đồng và tiếp tục đi ngang suốt từ đó cho đến tháng 9.
Công ty chứng khoán SSI đánh giá việc tiền đồng giữ giá trị một cách liên tục ổn định nhờ vào việc tăng trưởng xuất khẩu cao so với nhập khẩu giảm dẫn đến thặng dư thương mại rất tốt. Bằng chứng là VN duy trì trạng thái xuất siêu lớn đạt 11,9 tỉ USD trong tám tháng đầu năm, giúp nguồn cung USD được duy trì.
“Tác động tiêu cực của dịch bệnh không ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu như dự báo. Một số lĩnh vực tưởng chừng bị dịch bệnh hạ gục như thủy sản, đồ gỗ… vẫn tăng trưởng xuất khẩu tốt trong tháng 8, trong khi đó dệt may và da giày trên con đường hồi phục” - SSI đánh giá.
Tiền đồng vẫn duy trì bền bỉ giá trị, qua đó giúp ổn định và duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Ảnh: TL
Chống dịch nhưng không làm đứt gãy kinh tế
Sức mạnh của tiền đồng sẽ tiếp tục dựa vào sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế VN trong thời gian tới. TS Trần Đình Thiên bình luận hiện nay VN vừa phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng giữ tăng trưởng không bị sụt giảm quá sâu, có cơ hội là cố gắng phục hồi tăng trưởng. Đây là một chiến lược song song đang được thực thi có hiệu quả.
“Chính phủ cũng đang bám sát tình hình, lắng nghe doanh nghiệp, xây dựng kịch bản khác nhau kể cả xấu nhất để có phương án xử lý thích hợp nhất có thể” - ông Thiên nói.
Tuy vậy, theo TS Trần Đình Thiên, một trong những chiến lược mạnh mẽ nhất để giữ vững nền kinh tế là giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiện có 7.000-8.000 tỉ đồng đầu tư công đang tồn đọng. Điều này cho thấy vẫn còn ách tắc trong giải ngân đầu tư công, dẫn đến không cho phép giải phóng hết nguồn lực bơm ra nền kinh tế.
“Đây là khả năng bơm máu cho nền kinh tế rất tốt nhưng bơm được hay không tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ. Hiện giải ngân đầu tư công đang có dấu hiệu khả quan. Tính đến tháng 7, giải ngân đạt hơn 41% và dự tính hết tháng 8 là 48%” - ông Thiên cho biết.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị trong số tiền để cứu trợ doanh nghiệp hướng đến bình thường mới nên dành một phần đáng kể giúp cho các đơn vị đổi mới sáng tạo. Bởi nếu dành nguồn lực này cho các đơn vị đổi mới sáng tạo thì khi COVID-19 qua đi, lực lượng này sẽ tạo ra xu thế, một làn sóng mới để nền kinh tế tăng tốc phát triển.
TS John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế, ĐH RMIT, cũng đánh giá dù dịch bệnh nhưng VN vẫn còn đó những cơ hội mới để tăng trưởng.
Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại tự do VN - EU đang mang đến cơ hội mới cho doanh nghiệp VN xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt VN có thể đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư châu Âu đến tìm kiếm sản phẩm Việt cho thị trường nước ngoài.
Dự trữ ngoại hối có thể đạt 100 tỉ USD Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây cho hay dự trữ ngoại hối của VN đã đạt khoảng 92 tỉ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỉ USD. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8. TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận định việc Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ là điều cần thiết, nếu không sẽ khiến tiền VN đồng lên giá gây bất lợi cho người xuất khẩu VN khi thu tiền về, đồng thời những năm gần đây, nhờ chính sách ổn định tỉ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng không, hiện tượng đôla hóa đã giảm đáng kể. Do đó, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỉ giá, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá VN đồng. Ông Thành cũng cho rằng VN cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng sáu tháng nhập khẩu, đồng nghĩa với việc trong 12-18 tháng tới, dự trữ ngoại hối nên đạt mức 150 tỉ USD. Mức dự trữ này có thể đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của VN khi kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19. |