Lỗ hổng chế tài xử phạt
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Nguyễn Danh Huế (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định vụ việc như sau: Rõ ràng chúng ta thấy đây là lỗ hổng của pháp luật khi cho rằng những người phá thai trên 22 tuần tuổi chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì chưa có chế tài xử lý họ.
Luật sư Huế phân tích, ở nước ta luật vẫn cho phép nạo phá thai dưới 22 tuần tuổi. Ở tuổi thai dưới 22 tuần, chỉ những hành phá thai để lựa chọn giới tính mới bị cấm. Cụ thể, khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 (được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP) quy định: “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Còn lại, luật pháp hiện hành chỉ cấm phá thai từ 22 tuần tuổi trở lên. Theo mục 7 “Phá thai an toàn” tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.
Luật sư Huế cho biết thêm, hành vi vi phạm quy định về phá thai bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với số tiền cao nhất là 20 triệu đồng.
Trong một số trường hợp, hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, hiện bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định về Tội phá thai trái phép tại Điều 316 như sau: Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Làm chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với các sở sở y tế nạo phá thai cũng vậy, Nhà nước cho các cơ sở được phép nhận những ca phá thai dưới 22 tuần tuổi, nếu trên 22 tuần tuổi là vi phạm pháp luật.
“Tuy nhiên, những trường hợp hi hữu các em bé trên 22 tuần tuổi bị mẹ “bắt chết” lại sống sót kỳ diệu thì việc xử phạt hình sự người mẹ hay cơ sơ y tế là điều rất khó. Hiện mới chỉ xử phạt hành chính để răn đe. Tôi cho rằng đây là lổ hổng pháp lý hiện nay. Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quy định tội danh này là tội giết người”, luật sư Huế nêu quan điểm..
Sinh linh sống sót thần kỳ từ sự nhẫn tâm của người mẹ
Trước đó, ngày 13/9/2020, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (TP.Hà Nội) cho biết, các bác sĩ Bệnh viện này vừa cứu sống một cháu bé sơ sinh bị vứt bỏ ở cơ sở nạo phá thai, khi đến viện đã ngừng tim, ngừng thở.
Theo bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh – bệnh viện Xanh Pôn, tối 4/7 vừa qua, một nhóm thiện nguyện mang đến bệnh viện một em bé nặng 1,6kg để cấp cứu. Lúc này, bé sơ sinh đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, toàn thân tím tái, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34,8 độ C.
Nhóm người mang cháu bé đến viện cho biết vừa nhặt được bé từ thùng rác của một cơ sở nạo phá thai ở Hà Nội. Ước tính, từ lúc bé chào đời đến khi nhóm nhặt được khoảng 30 phút. Nhóm thiện nguyện cứu bé đã đặt tên em là Nguyễn Bình An.
"Ban đầu, chúng tôi cũng nghi ngờ nên mời công an đến để xác minh, chứng thực được đó là nhóm thiện nguyện và em bé đó là do nhóm nhặt được" - bác sĩ Giang kể, đồng thời cho biết, đây khả năng là trường hợp nạo phá thai.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cháu bé. Sau 4 tiếng, bé diễn biến xấu hơn, huyết áp tụt, mạch khó bắt. Các bác sĩ tiếp tục cho bé chuyển sang máy thở cao tần HFO (loại máy thở hiện đại nhất cho sơ sinh).
Sau 5 ngày thở HFO, bé chuyển thở máy thường. Ngày 13/8, bé được cho dừng thở oxy. Ngoài vấn đề về hô hấp, bé còn bị nhiễm trùng rất nặng nên các bác sĩ phải cho bé sử dụng kháng sinh liên tục trong vòng 5 tuần để cải thiện.
Hiện tại sau hơn 2 tháng cấp cứu điều trị, sức khỏe của cháu bé đã ổn định. Bé đã có thể tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú, nặng 2,6kg, không có biểu hiện di chứng về mắt.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp về tình trạng phá thai khi thai nhi đã đủ tuổi “được sống”. Còn nhớ vài tháng trước hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đã xuất hiện trong loạt bài điều tra nhưngthực trạng này khiến dư luận bất bình vì để xử lý những trường hợp người mẹ nhẫn tâm như vậy rất khó. Đặc biệt, đáng trách, đáng quy tội hơn nữa là những cơ sở phá thai đồng ý tiếp tay cho sự nhẫn tâm đó”, bác sĩ Giang nói.
Được biết, hiện bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đang hoàn tất thủ tục để cho bé xuất viện và bàn giao cho trung tâm Bảo trợ Xã hội của Thành phố.
“Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo lối sống của giới trẻ cũng như thiết lập lại hành lang pháp luật để ngăn chặn những vụ phá thai vô lương tâm, gây bất ổn trong xã hội thế này".
(luật sư Nguyễn Danh Huế - đoàn Luật sư TP.Hà Nội).