vĐồng tin tức tài chính 365

Vẫn còn tình trạng tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng

2020-09-14 18:11

Vẫn còn tình trạng tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Trong phần nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về bản báo cáo thẩm tra sơ bộ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, có nội dung rằng vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng chống tham nhũng... làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chống tham nhũng.

Thực hiện Phiên họp thứ 48, sáng ngày 14-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các vấn đề: tình hình phòng chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19; vấn đề tố cáo tội phạm; kết quả điều tra, truy tố, xét xử thi hành án; việc thực hiện Nghị định 100 đối với phòng chống tác hại của rượu, bia...

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định rằng: “việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với năm 2019 nhưng theo phản ánh của dư luận thì còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng”.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-9, Chính phủ cho biết các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉnh theo đúng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/20219/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp (UBTP) cũng chỉ ra rằng chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, dư luận, cử tri cho rằng còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác thanh tra chuyên ngành. Ví dụ, Thanh tra thuế ở Chi cục Thuế Gia Nghĩa (Đắc Nông) đòi 15 triệu của chủ tiệm tạp hóa hóa hay Thanh tra Sở Nội vụ Đắc Lắc tống tiền nhân viên trường Trung học phổ thông.

Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tòa án  nhân dân tối cao (TANDTC)  đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục. Đơn cử như vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm”...

Theo báo cáo của  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 2020, cơ quan điều tra của đơn vị này đã thụ lý, khởi tối mới 24 vụ/26 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp, tăng 37,5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc thống kê, báo cáo số liệu chính xác về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình, diễn biến của tội phạm tham nhũng và đề ra các giải pháp giải quyết.

Tuy nhiên, trong các Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan vẫn chưa khắc phục được sự không thống nhất, thiếu chính xác về số liệu thống kê. Ví dụ, theo Báo cáo của Chính phủ ngày 3-9-2020  về công tác phòng chống tham nhũng, các cơ quan điều tra trong công an khởi tố mới 286 vụ (tăng 15 vụ so với cùng kỳ). Báo cáo ngày 31-8-2020 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, các lực lượng chức năng đã phát hiện 242 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (giảm 13,88). Còn theo Báo cáo số 156/BC (19-8-2020) của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm 8,4%.

Một điểm mới của báo cáo năm nay là có riêng một phần về kết quả kiểm soát xung đột lợi ích.

Chính phủ nhận định, các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.

Theo báo cáo, công tác kiểm soát xung đột lợi ích đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện theo quy định. Việc giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ không để xảy ra việc xung đột lợi ích. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích đã chủ động báo cáo để người có thẩm quyền kịp thời có biện pháp xử lý. Trong kỳ báo cáo, 2 người bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

Trong phần "Dự báo tình hình tham nhũng", báo cáo của Chính phủ đánh giá: “ Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhận định của Chính phủ về dự báo tình hình tham nhũng như trên, đồng thời cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tham nhũng; bảo kê cho xã hội đen, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp…

Tuy nhiên, ngoài một vài nội dung sơ lược về tình hình tham nhũng như đã đề cập ở trên thì trong phần "Đánh giá tình hình tham nhũng", Chính phủ chưa đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2020. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc đánh giá, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình tham nhũng năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng ( PCTN) sát thực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020 để báo cáo trước Quốc hội theo đúng quy định của Luật PCTN.

Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN… để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó: Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao.

 

 

Xem thêm: lmth.gnuhn-maht-gnohc-nauq-oc-cac-gnort-gnuhn-maht-gnart-hnit-noc-nav/612803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vẫn còn tình trạng tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools