Báo cáo công tác thi hành án tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, 10 tháng qua, gần 200 phạm nhận được lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, trên 63.000 phạm nhân khác được lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Các cơ quan thi hành án hình sự Công an các tỉnh, thành phố đã thi hành án phạt trục xuất với 20 người có quốc tịch Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc. Đến ngày 31/7, số người bị kết án tù còn ngoài xã hội là hơn 5.100.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đôi khi còn sơ hở, hạn chế; chưa có phương án tháo gỡ triệt để các khó khăn trong công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình. Việc quản lý, giáo dục người chấp hành án hình sự tại địa phương và giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hoà nhập cộng đồng còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án hình sự, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và số người bị kết án phạt tù, số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ cũng như số người bị kết án tử hình tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
"Tuy nhiên, tại một số trại giam vẫn còn để xảy ra 18 phạm nhân bỏ trốn, trong đó có trường hợp phạm tội mới, gây hoang mang trong dư luận", bà Nga nói và dẫn chứng một số trường hợp phạm nhân chết do tai nạn lao động, chết do tự sát. Đặc biệt, 3 người bị kết án tử hình và bị can đã tự sát tại trại tạm giam.
Đại diện Uỷ ban Tư pháp cũng nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính. Các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thi hành xong tăng gần 17,4% về việc và tăng 40,3% về tiền so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự còn một số hạn chế. Tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền trong tổng số án có điều kiện thi hành đạt thấp, giảm 5,1% về việc, 4,4% về tiền so với năm 2019. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Tỷ lệ thi hành án đạt thấp (34%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019; phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành do người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND", bà Nga nói. Trong tổng số 472 bản án hành chính chưa thi hành xong thì có tới 451 bản án người phải thi hành là Chủ tịch UBND.
Xem thêm: lmth.3061614-gnaht-01-gnort-ut-na-tek-ib-iougn-000-841-noh/ten.sserpxenv