Công ty dầu khí BP (Anh) hôm 14/9 công bố báo cáo thường niên về tương lai năng lượng. Trong đó, họ nhận định thời kỳ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã chấm dứt. Nhu cầu dầu có thể đã chạm trần và sắp trải qua nhiều thập kỷ suy giảm chưa từng có tiền lệ.
Theo BP, nhu cầu dầu sẽ lần đầu tiên suy giảm trong lịch sử hiện đại, và có thể không bao giờ phục hồi về mức trước kia, sau ảnh hưởng của đại dịch. Báo cáo cho rằng dầu mỏ sẽ được thay thế bằng những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo được như gió, mặt trời và thủy điện. Những nguồn năng lượng này đang phát triển với tốc độ kỷ lục.
Spencer Dale - kinh tế trưởng của BP cho biết tầm nhìn của công ty này về tương lai năng lượng toàn cầu đã trở nên "xanh hơn", do ảnh hưởng của cả Covid-19 và tiến độ nhanh trong các hành động vì khí hậu. Những động thái này đã thúc đẩy quá trình đạt đỉnh của nhu cầu dầu.
Trong báo cáo, hai trong ba kịch bản năng lượng cho 30 năm sau đều cho rằng nhu cầu đã đạt đỉnh năm 2019. Ở kịch bản thứ ba, khi các động thái vì môi trường không được đẩy nhanh, nhu cầu dầu khí sẽ đi ngang từ năm 2019 và sụt giảm từ năm 2035.
Kịch bản thứ hai trong báo cáo cho rằng nhu cầu về dầu khí sẽ sụt giảm 55% trong 30 năm tới. Trong khi đó, kịch bản "xanh" nhất dự báo nhu cầu dầu giảm đến 80% vào năm 2050.
Báo cáo này trùng khớp với những cảnh báo liên tiếp từ các nhà kinh tế học năng lượng thời gian qua. Họ cho rằng đại dịch sẽ kích hoạt đà giảm của ngành công nghiệp dầu mỏ.
CEO BP Bernard Looney nói rằng những phát hiện của báo cáo sẽ giúp công ty "có cái nhìn toàn diện hơn về sự thay đổi của năng lượng". Điều này đóng vai trò then chốt trong việc giúp họ phát triển kế hoạch trở thành công ty cân bằng năng lượng (net zero energy company) vào năm 2050.
Hồi đầu năm, ông cũng thừa nhận rằng không loại bỏ khả năng đại dịch khiến nhu cầu dầu chạm trần. Ông khẳng định BP sẽ phải làm quen với một tương lai ít khí thải carbon hơn.
Quốc Tuấn (theo Guardian)