Sáng 14-9, tiếp tục phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Liên quan đến hoạt động điều tra, Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng công tác điều tra, xử lý tội phạm, việc bắt, giam, giữ được thực hiện theo pháp luật và có sự giám sát chặt chẽ của VKS các cấp.
Còn tình trạng sợ trách nhiệm
Theo ông Vương, cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác điều tra, xử lý tội phạm nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. CQĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, trong đó tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong tạm đình chỉ điều tra; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra xử lý tội phạm.
Cạnh đó, ngành đã thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của điều tra viên và cán bộ điều tra, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động điều tra “CQĐT luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật” - ông Vương nói.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn xảy ra việc đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội. Ngoài ra, VKS không phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT và bị can, phạm nhân trốn, chết tại trại tạm giam, nhà tạm giữ...
Thượng tướng Lê Quý Vương nói: “Tình trạng sợ trách nhiệm, tâm lý giữ an toàn đã khiến tinh thần, ý chí tấn công tội phạm có lúc, có nơi giảm sút, chưa xử lý tội phạm kịp thời...”.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đánh giá công tác điều tra, xử lý tội phạm năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019.
“Còn 17 trường hợp CQĐT phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm” - báo cáo thẩm tra nêu.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu. Ảnh: HẢI NINH
Phê bình nhưng cũng phải chia sẻ
Bên cạnh báo cáo đã gửi tới Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo thêm một số nội dung, thực chất là giải trình về vấn đề nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra đánh giá “tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và giảm 13,9% so với năm 2019”.
Ông Trí nói: “Có những việc các đồng chí phê bình mãi nhưng cũng phải chia sẻ”. “Việc xử lý tin báo tố giác tội phạm ngành công an làm là chính. Năm nào công an làm tốt, VKS được nhờ. Năm nào công an làm không tốt thì VKS cũng vạ lây theo. Hiện không có chế tài để giải quyết việc này”.
Liên quan đến việc xử lý đơn kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm, ông Trí cho rằng ngành kiểm sát ở vào thế bị động. Hồ sơ ở tòa thì tòa được ưu tiên, tòa không chuyển cho VKS hoặc chuyển chậm thì VKS không thể thụ lý. Vì vậy, số xử lý đơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao thì VKS không đạt nhưng theo hồ sơ có trong tay thì vượt. Ông Trí cho biết ông đã đề cập việc này hai lần trước Quốc hội nhưng chưa khắc phục được. “Như thế, các đồng chí phê bình mãi chúng tôi cũng vẫn không làm được” - ông Trí nói.
Liên quan đến tỉ lệ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, ông Trí cho rằng đây là “con số hai mặt”. “Nhìn vào con số có cảm giác chất lượng không tốt nên mới phải trả nhưng đây là một cuộc đấu tranh” - ông Trí cho biết.
Theo viện trưởng VKSND Tối cao, nhiều vụ tội phạm trình độ thấp, phản ứng đối phó ở mức độ chừng mực thì làm án dễ nhưng có khi tội phạm thủ đoạn cao thì không đơn giản. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là biện pháp tố tụng cho phép để chống oan sai và chống bỏ lọt.
Ông Trí nói: “Trả hồ sơ để chứng minh được bản chất tội phạm thì chúng ta phải động viên và khen cán bộ điều tra cũng như kiểm sát. Giờ cứ trả là chê thì cán bộ mất tinh thần, trong khi nếu không trả thì lọt hoặc oan sai, nhất là tội phạm phức tạp như tham nhũng”.
Trong kiến nghị của mình, ông Trí đề nghị Quốc hội quan tâm hơn đến công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật. Bởi có những lúc, cái gốc là do nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau. Sơ thẩm có quyền xử thế này nhưng phúc thẩm có quyền phủ định, trả hồ sơ điều tra lại… “Đơn giản nói “cứ theo luật mà làm” thì dễ rồi nhưng thực tế không đơn giản như vậy” - ông Trí nói.
Tòa án: Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội , TAND Tối cao cho rằng chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà các tòa áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu nghị quyết Quốc hội… Thẩm tra báo cáo của TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng các TAND vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới VKSND phải ban hành 610 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; gần 1.400 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Cạnh đó, dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 2,2% tổng số các loại án) nhưng tỉ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 51%)… Trong báo cáo TAND Tối cao cũng đề nghị Quốc hội quan tâm bảo đảm kinh phí để thực hiện cải tạo mở rộng trụ sở và trang bị nội thất phòng xét xử của các tòa án. Đây là hoạt động theo yêu cầu mới của pháp luật tố tụng để thực hiện đề án “Trang bị tài sản, phương tiện làm việc cho các tòa án giai đoạn IV” và đề án “Trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015”… |