Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 14-9 chiến thắng trong cuộc bầu chọn chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, qua đó thay ông Abe Shinzo đảm nhận vị trí này đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9-2021 tới. Do LDP hiện chiếm đa số ghế ở hạ viện, ông Suga, 71 tuổi gần như chắc chắn được bầu làm thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 16-9.
Phát biểu sau khi kết quả trên được công bố, ông Suga cam kết thúc đẩy các cải cách cần thiết, cũng như bày tỏ mong muốn tiếp tục các chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo, người vào tháng rồi tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe sau gần 8 năm cầm quyền.
Đáng chú ý, ông Suga cho biết sẽ tiếp tục chiến lược "Abenomics" đặc trưng của ông Abe về chính sách tiền tệ, chi tiêu và cải cách, đồng thời ưu tiên đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) và vực dậy nền kinh tế đang chịu tác động của dịch bệnh này.
Ngoài ra, ông cam kết tìm giải pháp cho các vấn đề dài hạn, như dân số già và tỉ lệ sinh thấp. Một cuộc thăm dò mới của Reuters cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản tiếp tục bi quan trong tháng 9-2020 (tháng thứ 14 liên tiếp), qua đó dễ thấy những chông gai mà ông Suga sẽ phải đối mặt thời gian tới.
Ông Yoshihide Suga (phải) tặng hoa cho Thủ tướng Abe Shinzo sau khi được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do hôm 14-9 Ảnh: REUTERS
Về mặt đối ngoại, theo Reuters, ông Suga sẽ phải đối mặt với một số thách thức địa chính trị, trong đó nổi bật là xây dựng mối quan hệ tốt với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới và xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
Dưới thời Thủ tướng Abe, mối quan hệ Nhật - Trung được đánh giá là có cải thiện nhưng hai bên vẫn còn tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Trung Quốc đang đòi chủ quyền quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư này. Theo trang Nikkei Asian Review, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 9-9 gọi Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh" của nước này và cảnh báo Bắc Kinh có thể mở rộng hoạt động quân sự hóa sang biển Hoa Đông.
Tại cuộc tranh luận với hai đối thủ Fumio Kishida (cựu bộ trưởng ngoại giao) và Shigeru Ishiba (cựu bộ trưởng quốc phòng) trong cuộc đua cho chiếc ghế lãnh đạo LDP vào cuối tuần rồi, ông Suga tuyên bố sẽ không nhượng bộ Trung Quốc nếu trở thành thủ tướng.
Cũng tại sự kiện này, ông Suga còn bác bỏ những hoài nghi về kỹ năng ngoại giao của mình khi khẳng định "có liên quan đến mọi quyết định mà nước Nhật đã đưa ra" trong 7 năm và 8 tháng làm chánh văn phòng nội các thời ông Abe. Ông Suga cho biết thêm sẽ thực hiện phong cách ngoại giao của riêng mình và tham khảo ý kiến của ông Abe về các vấn đề đối ngoại. "Điều quan trọng là có mối quan hệ vững chắc với các nước châu Á với nền tảng là liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ" - ông Suga khẳng định.
Năng lực tên lửa, hạt nhân đang ngày càng phát triển của Triều Tiên cũng là một vấn đề gây đau đầu khác đối với thủ tướng Nhật Bản kế tiếp. Trước khi rời nhiệm sở, ông Abe hôm 11-9 cho biết Tokyo vào cuối năm nay sẽ đưa ra kế hoạch mới để đối phó mối đe dọa tên lửa.
Thông tin này được đưa ra giữa lúc chính phủ Nhật Bản đang xem xét lựa chọn thay thế kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên mặt đất do Mỹ phát triển để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên hồi tháng 6 qua. Một ủy ban LDP thậm chí còn muốn chính phủ cân nhắc về khả năng tấn công phủ đầu để ngăn chặn tên lửa đạn đạo được phóng từ bên trong lãnh thổ đối phương.
Con đường chính trị khác biệt
Sự vươn lên của ông Yoshihide Suga khác biệt hoàn toàn so với giới tinh hoa chính trị vốn từ lâu thống trị chính trường Nhật Bản. Ông chào đời tại tỉnh Akita năm 1948 trong một gia đình nông dân trồng dâu tây và chuyển đến thủ đô Tokyo sau khi kết thúc bậc trung học phổ thông vì không muốn kế nghiệp gia đình. Tại Tokyo, ông làm nhiều công việc khác nhau, như làm việc trong nhà máy bìa cứng hay chợ cá, để kiếm tiền học đại học.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Hosei, ông làm việc ăn lương như bao người nhưng nhanh chóng từ bỏ. Chính trị là lĩnh vực giúp định hình, thay đổi thế giới và đây là điều ông muốn làm. Vì thế, ông quyết định gia nhập cuộc đua vào Hội đồng Thành phố Yokohama (YCC). Mặc dù thiếu thốn kinh nghiệm và các mối quan hệ chính trị, ông Suga đã bù đắp bằng sự chăm chỉ và tinh thần dám nghĩ dám làm, gõ cửa 300 căn nhà mỗi ngày và tổng cộng 30.000 căn nhà xuyên suốt chiến dịch tranh cử. Theo LDP, đến thời điểm bầu cử diễn ra, ông Suga đã đi mòn 6 đôi giày.
Ông được bầu vào YCC năm 1987 trước khi trúng cử quốc hội Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1996. Đến năm 2005, ông được Thủ tướng Junichiro Koizumi bổ nhiệm làm Thứ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Một năm sau, ông Suga lần đầu tiên được tham gia nội các trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe (2006-2007). Mối quan hệ thân thiết của 2 người tiếp tục khi ông Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012 và bổ nhiệm ông Suga làm Chánh Văn phòng Nội các. Dù vậy, theo hãng tin Kyodo, ông Suga vẫn là cái tên khá xa lạ với công chúng cho đến tháng 4-2019, khi ông công bố triều đại mới của Nhật Bản. Kể từ đó, ông được mệnh danh "ông chú Reiwa (Lệnh Hòa)" và được nhiều người biết đến hơn.
Cao Lực