Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 10 năm qua, giai đoạn 2008-2020, ngành chăn nuôi nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đã hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, hình thành khung khổ pháp lý theo hướng hội nhập. Cạnh đó, các ngành hàng lớn cũng từng bước được cơ cấu theo hướng hiện đại, nhiều ngành hàng đi sau tiếp thu công nghệ thành hiện đại, như ngành sữa hiện nay được đánh giá hiện đại nhất ASEAN...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AH
"Tốc độ chăn nuôi chưa bao giờ được 4-5%, thì đến năm 2018 đã đạt được 6%. Bình quân mỗi người dân Việt Nam đã có 60kg thịt, 150 quả trứng, 12 lít sữa do Việt Nam sản xuất, 80kg cá, 200kg rau, 200 kg quả, 500kg cân lương thực... Thực phẩm đã vô cùng dồi dào, đáp ứng căn bản cho một đất nước 100 triệu dân" - ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong giai đoạn chiến lược chăn nuôi vừa qua. Đó là tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối khi thịt heo chiếm 70%, dẫn đến nguy cơ rủi ro sử dụng thực phẩm không đa dạng, trong khi nhu cầu người dân đòi hỏi thực phẩm phải đa dạng.
Ba khâu quan trọng trong chăn nuôi là sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới làm tốt được khâu sản xuất. Khâu chế biến chủ yếu mới có các lò mổ thủ công, các nhà máy chế biến hiện đại rất ít. "Trên thực tiễn có tăng trưởng nhưng cứ nhòe lên thì đi giải cứu, vì không liên hoàn chuỗi" - ông Cường nhận xét.
Cạnh đó, công tác giống, an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra: "Trong hơn 40 tỷ USD nông sản xuất khẩu đi các nước, soi kính hiển vi không nhìn thấy ông chăn nuôi".
Từ bất cập trên, ông Cường cho rằng cần phải xây dựng chiến lược mới cho ngành chăn nuôi, xác định lại vị thế của ngành hàng này, khắc phục cho được những tồn tại căn cốt của quá trình thực hiện chiến lược trong giai đoạn vừa qua để tổ chức lại. Xác định lại định hướng trong phát triển, trong đó lấy ba trục kinh tế, xã hội, an sinh là hiệu quả bền vững của ngành chăn nuôi...
"Để làm được điều này, phải tận dụng yếu tố thời đại, công nghệ 4.0 kết hợp yếu tố truyền thống, văn hóa, đa dạng sinh thái Việt Nam, kết hợp cả ba khu vực gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để làm lên kết quả đó" - Bộ trưởng nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dự kiến mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình đạt từ 4-5%/năm, giai đoạn 2026-2030, trung bình từ 3-4%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.