Saudi Arabia ‘mở cửa’ trở lại cho 12 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Sau hơn 2 năm (từ ngày 30-1-2018) “cấm cửa” thủy sản Việt Nam, Saudi Arabia đã quyết định cho phép 12 doanh nghiệp thủy sản của nước ta được xuất khẩu trở lại thị trường này.
Thủy sản Việt Nam bị “cấm cửa” ở Ả Rập Saudi: lỗi do chủ quan
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Thông tin từ Vụ thị trường châu Á- châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, 12 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu trở lại gồm Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long (HALONG CANFOCO); Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (BIDIFISCO); Công ty TNHH đồ hộp Thanh Dung; Công ty TNHH Tín Thịnh; Công ty TNHH FUJIRA Nha Trang; Công ty TNHH T&H Nha Trang; Công ty TNHH Mariso Việt Nam; Công ty TNHH Hải Nam; Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm PATAYA Việt Nam; Công ty TNHH MTV Tiến Triển; Nhà máy KISIMEX Rạch Giá của Công ty cổ phần thủy sản Kiên Giang và Công ty TNHH Việt Long Kiên Giang.
Theo Vụ thị trường châu Á- châu Phi, việc Saudi Arabia cho phép 12 doanh nghiệp nêu trên được xuất khẩu thủy sản trở lại thị trường này là kết quả của hơn 2 năm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia này làm việc và vận động Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA).
Theo đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại và hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá để gửi phía Saudi Arabia thẩm định.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Vụ thị trường châu Á- châu Phi, SFDA bước đầu cho phép một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản đánh bắt vào quốc gia này. Điều đó có nghĩa, các loại thủy sản nuôi của Việt Nam như: tôm nước lợ và cá tra vẫn chưa được tháo gỡ “rào cản”.
Liên quan vấn đề này, vào ngày 30-1-2018, SFDA đã có thông báo số G/SPS/N/SAU/336 về việc ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thủy sản, động vật giáp xác và các sản phẩm từ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Vào thời điểm bấy giờ, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc để xảy ra lệnh cấm của Saudi Arabia là do doanh nghiệp chủ quan.
Cụ thể, theo ông Tiệp, khi Saudi Arabia thông báo sang thăm, đánh giá ngành thủy sản Việt Nam, có không ít doanh nghiệp nghĩ đây là thị trường nhỏ, không quan trọng và dễ tính nên rất chủ quan. “Nhiều doanh nghiệp đã không có sự chuẩn bị, và khi đoàn tham quan của Saudi Arabia phát hiện các lỗi trong quy trình chế biến, họ ra quyết định tạm dừng nhập thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng cá tra", ông cho biết.
Theo ông Tiệp, khi kết thúc đợt làm việc, phía Saudi Arabia có thông tin cho biết doanh nghiệp Việt Nam gặp một số lỗi và họ thông báo sẽ gửi báo cáo để cùng với Việt Nam góp ý và có những biện pháp giải quyết tiếp theo. “Theo thông lệ quốc tế, họ sẽ gửi báo cáo cho chúng ta trước khi ra bất cứ một quyết định nào”, ông nói, nhưng cho biết thêm, vào thời điểm bấy giờ, dù chưa gửi báo cáo nhưng Saudi Arabia lại ra quyết định tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam như nêu trên.
Trao đổi với TBKTSG Online lúc bấy giờ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 60 triệu đô la Mỹ thủy sản Việt Nam, trong đó, cá tra là mặt hàng chủ lực.
Xem thêm: lmth.man-teiv-nas-yuht-peihgn-hnaod-21-ohc-ial-ort-auc-om-aibara-iduas/362803/nv.semitnogiaseht.www