Trần Văn Thọ, Trần Hiền Sĩ tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 15-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Trần Văn Thọ (29 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Hiền Sĩ (40 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trước đó sáng 3-9, Công an phường 1 (quận Bình Thạnh) nhận tin báo của Ban quản lý lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) về việc bộ "Lưỡng long tranh châu" trên nóc bia Đình trước phần mộ lăng Lê Văn Duyệt bị mất trái châu quý hiếm, có niên đại từ năm 1922.
Công an quận Bình Thạnh xuống hiện trường, ghi nhận lời khai, trích xuất camera, điều tra truy xét. Một mũi trinh sát thu thập thông tin quan trọng từ giới buôn bán cổ vật: có người rao bán món đồ cổ giống trái châu lăng Ông Bà Chiểu bị mất trộm.
Công an quận Bình Thạnh lần tìm ra người này tên Trần Hiền Sĩ, ở quận Tân Phú và đưa Sĩ về cơ quan công an làm việc. Qua đấu tranh khai thác, Sĩ thừa nhận mua trái châu của Trần Văn Thọ ngày 29-8 với giá 13 triệu đồng.
Từ lời khai của Sĩ, công an thu hồi trái châu và xác định đúng là trái châu của lăng Ông Bà Chiểu bị mất trộm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Bình Thạnh đã bắt giữ Trần Văn Thọ khi Thọ từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên TP.HCM.
Công an quận Bình Thạnh bàn giao trái châu cho Ban quản lý lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh: Công an cung cấp
Tại cơ quan điều tra, Thọ khai từng đi qua lại lăng Ông Bà Chiểu, thấy trên nóc bia Đình có trái châu giá trị nên nảy sinh ý định trộm cắp. Tối 28-8, Thọ lái xe máy từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đến TP.HCM nghĩ cách trộm cắp trái châu.
Khoảng 0h10 sáng 29-8, Thọ gửi xe máy tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định rồi đi qua lăng Ông Bà Chiểu. Quan sát vắng người, Thọ leo qua cổng rào vào lăng Ông Bà Chiểu, trèo lên nóc bia Đình để lấy trộm trái châu.
Trong lúc trộm trái châu, Thọ nghe tiếng chó sủa nên nghi ngờ ai đó phát hiện. Nghĩ vậy, Thọ đem giấu trái châu ở hàng rào kế bên phần mộ lăng Lê Văn Duyệt và leo qua hàng rào (phía đường Đinh Tiên Hoàng) thoát ra ngoài.
Khoảng 1h30 sáng 29-8, Thọ rảo quanh lăng Ông Bà Chiểu xem tình hình. Thấy không ai phát hiện, Thọ lại leo rào vào lăng Ông Bà Chiểu, đem trái châu ra ngoài giấu phía sau một trạm xe buýt gần đó.
Thọ ngồi uống nước gần cổng Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đến khoảng 4h sáng 29-8, Thọ lấy xe máy chạy đến chỗ cất giấu trái châu, đưa cổ vật lên xe chở về nhà riêng ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trưa 29-8, khi đang ở nhà, Thọ điện thoại liên hệ Trần Hiền Sĩ thông tin về trái châu và thỏa thuận bán cho Sĩ với giá 13 triệu đồng.
Riêng Sĩ khai ngày 29-8 đi xuống huyện Xuyên Mộc mua trái châu. Trong lúc vận chuyển cổ vật, trái châu bị trầy xước một số chỗ. Khi về đến TP.HCM, Sĩ nhờ một nghệ nhân ở huyện Bình Chánh khắc phục nguyên trạng.
Khám xét nơi ở của Sĩ, Công an quận Bình Thạnh thu giữ một bộ hỏa châu, một bình hồ lô, một bông hoa bằng gốm sứ. Ngoài ra, tại nhà Sĩ còn có khoảng 155 đồ vật sành, sứ, gốm không rõ nguồn gốc.
Bước đầu Sĩ khai nhận mua bộ hỏa châu, bình hồ lô, bông hoa bằng gốm sứ của Thọ khoảng giữa tháng 8-2020 với giá 2,8 triệu đồng. Còn Thọ khai nhận số cổ vật này Thọ cũng lấy trộm tại một ngôi chùa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Sau khi thu hồi cổ vật, Công an quận Bình Thạnh cùng cơ quan chức năng tổ chức giám định, xác định giá trị trái châu khoảng 350 triệu đồng và bàn giao trái châu cho Ban quản lý lăng Ông Bà Chiểu gắn lại vị trí cũ.
Trái châu đã được gắn lại vị trí cũ ở lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lăng Lê Văn Duyệt còn gọi là Thượng Công miếu, gồm khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832); tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, có cổng Tây tại số 126 đường Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Do vị trí lăng Ông nằm ở khu vực Bà Chiểu nên người dân quen gọi chung lăng Ông Bà Chiểu (tức là "lăng Ông ở Bà Chiểu") để chỉ khu vực này.
Trước năm 1975, tuyến đường chạy dọc theo phía tây lăng Ông (đoạn từ lăng đến cầu Bông) mang tên đại lộ Lê Văn Duyệt.
Đến ngày 14-8-1975, đoạn này được đổi tên vì nhập chung tên với đường Đinh Tiên Hoàng (phía quận 1). Đến ngày 11-7- 2020, sau 45 năm thay đổi tên, đoạn đường này phục hồi tên cũ là đường Lê Văn Duyệt.
Xem thêm: mth.10140651251900202-ueihc-ab-gno-gnal-uahc-iart-mort-ed-nal-4-oar-oel-med-ac-cuht/nv.ertiout