Ngành ngân hàng đang dẫn đầu mảng chuyển đổi số tại Việt Nam…
"Chuyển đổi số là việc tất yếu với tất cả các ngành vì số người dùng internet, smartphone, tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm số đang chiếm đa số trong xã hội, sự đa số này đang dần trở thành tuyệt đối. Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thông tin - dữ liệu - kết nối - hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ. Tóm lại là gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Ngân hàng là ngành nắm yết hầu trong nền kinh tế, từ thanh toán đến đầu tư và các ngân hàng có sẵn nền tảng về công nghệ, tri thức hàng đầu trong các ngành; thế nên chẳng có gì lạ ngành ngân hàng phải đi đầu trong chuyển đổi số.
Ngân hàng nào không chuyển đổi số sẽ không mang lại dịch vụ tốt cho khách hàng, không có giá thành tốt cho khách hàng và sẽ bị bỏ lại phía sau bởi các ngân hàng khác và các công ty fintech. Nên các ngân hàng đang cạnh tranh nhau khá quyết liệt trong chuyển đổi số để đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất", anh Christian Nguyễn - CEO Wee Digital miêu tả thực trạng.
Wee Digital là startup chuyên về sử dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, nhận dạng khuôn mặt để xác thực các giao dịch tài chính ngân hàng. Họ tuyên bố công nghệ của họ cho phép người dùng thực hiện việc thanh toán một cách an toàn, chỉ trong 5 giây đồng hồ, người dùng không cần mang tiền mặt, thẻ tín dụng và điện thoại khi thực hiện giao dịch.
Hiện startup này đang hợp tác với Vietinbank triển khai hệ thống Smart Digital Branch (SDB) - Chi nhánh số hoá thông minh. Đây là dự án ứng dụng công nghệ sinh trắc học sâu (deep biometrics) vào hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam. Họ cũng vừa nhận được tiền đầu tư từ InterVest (Hàn Quốc) và VinaCapital Ventures, với giá trị cụ thể không được tiết lộ, nhưng với khoảng 7 chữ số (USD).
Ở khía cạnh khác, báo cáo Fintech và Ngân hàng số do Backbase phối hợp thực hiện cùng IDC dự đoán tới năm 2025, các ngân hàng Việt Nam sẽ xây dựng quy mô dựa trên mức tăng trưởng đầu tư kỹ thuật số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ hơn lại mong muốn đạt được thành công trước.
Ngoài ra, giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 400%, với mức tăng trưởng tài khoản mới là 50% từ 8 ngân hàng hàng đầu nhờ sử dụng công nghẹ tự động hóa thông minh trong việc khởi tạo tài khoản. 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ "tích cực theo đuổi nền tảng lõi kỹ thuật số hiện đại". Bên cạnh đó, hiện đại hóa ngân hàng lõi và hệ thống thanh toán là 2 ưu tiên hàng đầu của 8 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực ASEAN và Ấn Độ của Backbase
"Trong thế giới kỹ thuật số, ngân hàng không còn là người duy nhất tạo ra giá trị cho khách hàng của mình. Ngày nay, sức mạnh cạnh tranh đến từ việc có kết nối tốt với những ‘người chơi’ khác và từ việc gia tăng hoặc chia sẻ giá trị. Các ngân hàng phải sử dụng các API mở để kết nối, cả trong nội bộ và với bên thứ ba, nhằm đảm bảo có thể duy trì sự quan tâm của khách hàng cơ sở.
Ngoài ra, so với mô hình ngân hàng truyền thống, ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng đều được thực hiện trực tuyến thông qua thiết bị di động với giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng", ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực ASEAN và Ấn Độ của Backbase, nhận định về thị trường.
Backbase là một nhà cung cấp nền tảng ngân hàng kỹ thuật số có phạm vi toàn cầu, là đối tác của các tổ chức tài chính lớn hơn như Deutsch Bank và Barclays Bank. Tại Việt Nam, dựa trên thực tế thị trường, họ đang cung cấp cho ngân hàng các dự án và cam kết như: chuyển đổi kỹ thuật số của các ngân hàng kế thừa, ngân hàng kỹ thuật số và các nhà cung cấp ví/thanh toán độc lập.
Backbase đang cung cấp trọn bộ công cụ các Dịch vụ Ngân hàng Kỹ thuật số (DBS) và Bộ sưu tập Tiện ích cho TPBank, nhằm giúp ngân hàng này rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm và cải thiện hệ thống của họ bằng kiến trúc microservices tiên tiến.
Đồng quan điểm, anh Trần Viết Quân – Founder Tanca.io cũng khẳng định, ngân hàng chính là ngành chuyển đổi số nhanh nhất tại Việt Nam. Do nhiều nguyên do, các ngân hàng đang đua nhau chuyển đổi số, áp dụng hầu hết các công nghệ mới như blockchain, IoT, Big data, AI, eKYC (định danh khách hàng điện tử). Grab đã xin được giấy phép Ngân hàng trực tuyến tại Việt Nam. Còn việc nhiều người hay rên rỉ than thở về dịch vụ ngân hàng này, ngân hàng kia; chẳng qua vì nhiều ngân hàng quy mô quá lớn nên đi chậm.
Tanca.io là nền tảng chấm công bằng điện thoại và giúp doanh nghiệp phần nào chuyển đổi số ở mảng nhân sự. Họ sắp ra mắt camera AI – chấm công bằng nhận diện khuôn mặt. Startup này vừa kết hợp với VP Bank ra mắt chương trình hỗ trợ giới khởi nghiệp và SMEs Việt trong Covid-19.
…và tiệm cận thế giới
Cũng theo ông Christian Nguyễn, lý thuyết về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đều có hết rồi, tất cả đều hướng tới là ngân hàng số với các đặc trưng: phục vụ khách hàng số; tạo môi trường làm việc số; phát triển hệ thống ngân hàng lõi (core banking); tiêu chuẩn hóa tài sản số của ngân hàng; hướng đến Open Banking để kết nối các ngành và dịch vụ khác qua Open API.
Công nghệ hiện đại eKYC đang được nhiều ngân hàng Việt áp dụng, tiêu biểu như VP Bank.
"Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế lại khá xa nhau. Thời kỳ đầu, các ngân hàng lập ra các phòng ban về số hóa, lập ra các dự án về số hóa, đưa ra vài sản phẩm về số hóa như số hóa giao diện ứng dụng. Nhưng đó mới chỉ là đưa số hóa vào ngân hàng, tạo ra một lớp (layer) mới cho hệ thống vận hàng analog cũ, chứ chưa tạo ra ngân hàng số.
Chuyển đổi số không phải thay đổi vài cái server, trung tâm dữ liệu, làm ứng dụng di động, mà phải chuyển đổi thái độ, suy nghĩ, tầm nhìn về số hóa. Gần đây, nhiều ngân hàng đã làm tốt hơn với việc bắt đầu thay đổi core banking.
Nhưng nếu xét kỹ, tiến trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam không chậm quá nhiều so với thế giới, vì ngành ngân hàng là ngành đòi hỏi phải tuân thủ rất nhiều thủ tục về quy trình - an ninh. Ví dụ: một số nước đã cấp giấy phép hoạt động cho ngân hàng số, một số nước như Anh đã áp dụng Open Banking. Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) của Liên minh châu Âu về Open Banking có hiệu lực trên toàn châu Âu vào tháng 9/2019. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý cho Open Banking", CEO Wee Digital nêu vấn đề.
Phần mình, ông Riddhi Dutta cũng đưa ra vài giải pháp nhằm giúp mảng chuyển đổi số của ngành Ngân hàng nhanh chóng bắt kịp thế giới: mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng hệ thống văn bản hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục khiến hành trình trải nghiệm thanh toán của khách hàng chưa được tinh gọn. Số lượng giao dịch và nhóm khách hàng không thể nhân rộng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, các ngân hàng nên tìm cách đưa người dùng thông thường trở thành khách hàng kỹ thuật số của họ. Để hỗ trợ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã dự thảo quy chế mở tài khoản bằng hệ thống điện tử eKYC. Ngân hàng phải tăng trải nghiệm của khách hàng để họ hài lòng hơn với sản phẩm và dịch vụ.
Cơ hội tham gia 'cuộc chơi' chia đều cho tập đoàn lớn, FDI và cả startup
Không giống những ngành nghề khác, các ngân hàng không chỉ cởi mở trong việc ứng dụng các công nghệ mới mà còn cởi mở trong việc lựa chọn đối tác chuyển đổi số. Thế nên, tập đoàn lớn như FPT hay FDI lẫn startup đều có cơ hội ngang nhau. Ví dụ: TP Bank – một trong những ngân hàng đi đầu trong mảng chuyển đổi số, dùng cả sản phẩm của FPT lẫn Backbase hay Vietinbank vừa dùng sản phẩm của CMC vừa hợp tác với Wee Digital.
Anh Christian Nguyễn - CEO Wee Digital
"Các công ty lớn như FPT, CMC và Viettel có đủ mọi lợi thế hơn so với các startup, rõ ràng là như vậy. Nhưng như thế thì không có cửa cho startup tồn tại? Không. Điểm mạnh của startup là quy mô nhỏ, sáng tạo nhanh hơn, xoay trở và thích ứng nhanh hơn với xu thế. Sáng tạo là hoạt động chính của startup, hoạt động sáng tạo đòi hỏi phải có sự tinh gọn.
Chính các công ty lớn như trên lại đang có xu hướng đầu tư vào các startup. Việc hợp tác giữa hai bên cùng tạo giá trị cho nhau và mang tính cộng hưởng. Hoạt động nghiên cứu sáng tạo của công ty lớn nếu đặt hàng ở bên ngoài dưới dạng hợp tác với startup sẽ có nhiều lợi thế hơn về hoạt động tinh gọn. Còn đối với startup, việc hợp tác với với các công ty lớn sẽ giúp họ rút ngắn thời gian chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường", anh Christian Nguyễn giải thích vì sao doanh nghiệp mình hay các startup vẫn có cơ hội trong thị trường cạnh tranh đang dần trở nên khắc nghiệt như chuyển đổi số.
Cũng như thế, Backbase cũng có những lợi thế nhất định của một tay chơi ngoại. Theo ông Riddhi Dutta, với tư cách là một nhà cung cấp nền tảng ngân hàng kỹ thuật số có phạm vi toàn cầu, Backbase cũng có thể tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm của mình từ các giải pháp đa dạng cùng các dự án thành công với các tổ chức tài chính lớn hơn như Deutsch Bank và Barclays Bank, để tư vấn và đồng hành với các ngân hàng Việt Nam.
Không cần đại tu hoàn toàn hệ thống ngân hàng lõi mà ngân hàng đã xây dựng trong nhiều thập kỷ, phạm vi cơ chế tích hợp của Backbase có thể hỗ trợ các ngân hàng đương nhiệm thực hiện các dự án chuyển đổi kỹ thuật số chiến lược được thiết kế riêng cho họ. Trong trường hợp của TPBank, họ cần phải khác biệt trong một thị trường cạnh tranh và quá bão hòa. Với quy mô của mình, họ cần cân đối cẩn thận chi phí với ROI. Họ cũng cần một giải pháp có thể phát triển theo nhu cầu kỹ thuật số của khách hàng.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ