Ông Nguyễn Thành Tài khai tại thời điểm vụ án xảy ra thì không nhận ra sai phạm, nhưng hiện nay thì ông đã nhìn nhận lại vấn đề và thừa nhận những sai phạm mình và đồng phạm đã gây ra.
Trong phiên tòa buổi sáng và nửa đầu phiên tòa chiều 16/9, HĐXX đã xét hỏi xong các bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM giai đoạn 2008-2011) và đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. HĐXX đã chuyển sang xét hỏi người liên quan.
Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã kê biên 11 bất động sản trên địa bàn TPHCM thuộc quyền sở hữu của các cá nhân ông Đào Anh Kiệt, ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư quận ủy Quận 2, TPHCM), bà Lê Thị Thanh Thúy và ông Trương Văn Út (nguyên phó trưởng phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM) để đảm bảo việc thi hành án.
Tại phiên tòa, bị cáo Thúy và vợ của các bị cáo còn lại không đồng ý với quyết định kê biên trên. Những người này cho rằng tài sản đang kê biên là tài sản chung của vợ chồng nên quyết định kê biên không đúng quy định; từ đó đề nghị nhận lại những tài sản đã bị kê biên.
Sau khi HĐXX xét hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì đại diện Viện Kiểm sát bắt đầu tiến hành xét hỏi các bị cáo. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát hỏi bị cáo Nguyễn Thành Tài để làm rõ các quyết định không đúng pháp luật.
“Liên quan tới những quyết định tại khu đất 8-12 Lê Duẩn thì không thuộc chuyên môn của tôi, tôi chỉ là người kiêm nhiệm nên mọi quyết định phải dựa trên tham mưu, đề xuất của các cơ quan sở, ngành. Trong những tham mưu của các sở ngành thì không ai phản đối việc công ty quản lý kinh doanh nhà liên doanh với 4 công ty đang thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn”, bị cáo Tài khai tại tòa.
Bên cạnh đó, ông Tài khai tại thời điểm thực hiện hành vi thì ông không nhận thức được hành vi của mình là sai. Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận tại thời điểm hiện tại, ông nhìn nhận lại hành vi của mình thì nhận ra được sai phạm. Ông Tài cho rằng việc thu hồi, giải tỏa mặt bằng tại khu đất 8-12 Lê Duẩn diễn ra trong thời gian dài, gặp nhiều khó khăn nên không thể trì hoãn kéo dài được nữa. Thời điểm ký văn bản chấp thuận, ông Tài khai mình chỉ nghĩ tới lợi ích lâu dài ảnh hưởng tới sự phát triển của TPHCM.
Tiếp đó, Viện Kiểm sát tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Thị Thanh Thúy. Bị cáo Thúy khai công ty Hoa Tháng Năm do vốn góp của bà và gia đình, trong đó, bản thân bà là cổ đông lớn nhất. Công ty Hoa Tháng Năm mới thành lập nên chưa có hoạt động trong việc đầu tư dự án. Khi quyết định đầu tư vào dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn thì bị cáo Thúy khai mình nhìn thấy tiềm năng khi đầu tư vào dự án này nên đã quyết định góp vốn.
“Chúng tôi làm dịch vụ nên chúng tôi đã thuê các công ty để đánh giá khả năng sinh lời. Nếu đầu tư vào dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn thì sau 15 năm công ty Hoa Tháng Năm sẽ có lãi. Tôi rất áp lực vì đầu tư vào ngành dịch vụ phải bỏ ra rất nhiều vốn để đầu tư, phải đi đường dài mới hy vọng có lãi. Có rất nhiều người ngỏ lời muốn mua lại phần vốn góp của công ty Hoa Tháng Năm vào dự án nhưng tôi từ chối hết”, bị cáo Thúy khai.
Để thực hiện dự án, bà Thúy liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới là công ty cổ phần đầu tư Lavenue, đồng thời kiến nghị cho công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư 30% vốn (trong tỷ lệ góp vốn 50% của công ty quản lý kinh doanh nhà).
Bị cáo Thúy khai tại thời điểm khởi tố vụ án thì công ty Lavenue đã âm vốn chủ sở hữu. Ngoài dự án 8-12 Lê Duẩn thì ông Tài không chấp thuận cho bà Thúy đầu tư thêm vào dự án khác.
Xuân Duy
Xem thêm: mth.55632946161900202-mahp-ias-nahn-auht-iat-hnaht-neyugn-gno/taul-pahp/nv.moc.irtnad