Hệ thống y tế Myanmar quá tải khi dịch Covid đợt 2 bùng phát
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Làn sóng Covid-19 thứ hai khiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, gây dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19, ở Myanmar tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng chưa đến một tháng. Giới chức nước này đang chạy đua xây dựng một bệnh viện dã chiến ở thủ phủ thương mại Yangon, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng vọt, làm dấy lên các mối lo ngại hệ thống y tế yếu kém của nước này sẽ sụp đổ.
Một khu phố bị phong tỏa ở Yangon, Myanmar hôm 12-9 để kiểm soát một ổ dịch Covid-19 mới bùng lên. Ảnh: Reuters |
Số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức kỷ lục
Myanmar ghi nhận 307 ca nhiễm mới vào ngày 15-9, số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 ập đến hồi tháng 3 đến nay. Nước này báo cáo có thêm 134 ca nhiễm nữa vào sáng 16-9, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.636 bao gồm 39 ca tử vong.
Myanmar trải qua nhiều tuần không có ca nhiễm nào trong cộng đồng trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng lên vào giữa tháng 8 ở vùng Rakhine, rồi lây lan rộng khắp cả nước.
Trong gần năm tháng kể từ ngày khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23-3, Myanmar chỉ có tổng cộng 374 ca nhiễm. Nhưng bắt đầu từ ngày 16-8, số ca nhiễm đột ngột tăng nhanh, khiến giới chức y tế không kịp trở tay.
Thành phố Yangon, nơi có số ca nhiễm cao nhất trong cả nước, đã bị phong tỏa trở lại. Ba bệnh viện ở thành phố này đã được cải tạo để chuyển sang điều trị các bệnh nhân Covid-19 sau khi ba bệnh viện chính đã hết sức chứa.
Chính phủ Myanmar đang gấp một xây dựng một bệnh viện dã chiến với 500 giường ở một sân bóng đá ở Yangon.
“Chúng tôi không còn giường bệnh để ứng phó một cơn bùng phát lớn. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng tôi không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Đó là lý do tại sao, chúng tôi đang khẩn cấp xây dựng bệnh viện dã chiến”, bác sĩ Kaung Kyat Soe, Giám đốc của bệnh viện dã chiến này, nói.
Một số bác sĩ ở Yangon cho biết cách ứng phó của chính phủ khiến không gian ở các bệnh viện bị thiếu hụt. Các quan chức y tế Myanmar yêu cầu những người muốn xét nghiệm virus SARS-CoV-2 phải nhập viện trước khi được lấy mẫu xét nghiệm dịch họng.
Kyaw Min Tun, người điều hành một phòng khám tư nhân ở Yangon, nói: “Điều này là không cần thiết”. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn được cử đến các trung tâm cách ly khắp thành phố Yangon, theo Ko Ko Htwe, bác sĩ của một phòng khám tư nhân ở Yangon
Thủ hiến vùng Yangon, Phyo Min Thein, nói rằng ông hy vọng sẽ kiểm soát dịch bệnh trong vòng ba tuần. Ông nói có hàng trăm cơ sở cách ly của nhà nước, nơi nhiều ca nghi nhiễm, đang được gửi tới. Tuy nhiên, một số người ở các trung tâm này phàn nàn về các điều kiện tệ hại, chẳng hạn, những người không có kết quả xét nghiệm dương tính buộc phải ở chung phòng với các bệnh nhân đã đã xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Pwint Thiri San, 23 tuổi, một người đang bị cách ly, cho biết các triệu chứng của cô rất nhẹ nhưng cô lo ngại bệnh tình sẽ trở nặng nếu không được chăm sóc đầy đủ. Cô nói một số phòng ở cơ sở cách ly không có nước máy và cô cũng không thấy bóng dáng của bất kỳ nhân viên y tế nào. Cô cho biết một phụ nữ ở cơ sở cách ly của cô, đã tử vong hôm 15-9 sau khi trải qua tình trạng khó thở.
Các đảng đối lập ở Myanmar đang kêu gọi hoãn tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 11 tới để khống chế dịch bệnh. Chủ tịch đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), nói ông rất lo ngại nếu tổ chức bầu cử giữa tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh. Ông nói: “Chính phủ không được hy sinh mạng sống của người dân. Nếu không thuận tiện để tổ chức bầu cữ, hãy hoãn lại!”
Cho đến nay, Myanmar đã phong tỏa đi lại ở TP. Yangon, thủ đô Naypyidaw và bang Rakhine, trong khi đó, các tuyến bay nội địa và các tuyến xe buýt đường dài bị tạm dừng hoạt động.
Thái Lan, Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới
Hai nước láng giềng Trung Quốc và Thái Lan đang tăng cường giám sát biên giới chung với Myanmar để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Hôm 15-9, lực lượng biên phòng Thái Lan đã bắt giữ 10 người Myanmar nhập cảnh trái phép vào huyện Mae Sot, tỉnh Tak, Thái Lan. Liên minh cứu trợ công nhân Myanmar cho hay trong hai tuần qua, có khoảng 6.000 người Myanmar bị bắt giữ vì bị nghi ngờ nhập cư trái phép vào Thái Lan.
Thái Lan cũng vừa gửi 13 trạm xét nghiệm Covid-19 di động đến các khu vực nằm dọc theo biên giới Thái Lan và Myanmar. Các trạm này sẽ tiến hành xét nghiệm đối với những người có nguy cơ cao lây nhiễm cao, bao gồm những người Myanmar nhập cảnh trái phép.
Hôm qua, chính quyền TP. Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nằm sát biên giới với Myanmar, tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và tiến hành xét nghiệm đối với tất cả 210.000 cư dân ở thành phố này. Tất cả cơ sở kinh doanh ở Thụy Lệ, ngoại trừ siêu thị, nhà thuốc và chợ thực phẩm, được yêu cầu đóng cửa.
Phó thị trưởng TP, Thụy Lệ, ông Yang Bianqiang, cho biết sẽ hồi hương bất cứ người Myanmar nào không thể xác minh được thời gian nhập cảnh vào Trung Quốc, không có chỗ ở cố định hay việc làm ổn định. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Thụy Lệ xác định có hai ca nhiễm nhập khẩu từ Myanmar.
Trải qua nhiều thập kỷ không được đầu tư đúng mức dưới thời chính phủ quân sự trước đây, hệ thống y tế của Myanmar bị đánh giá yếu kém nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2000, lần cuối tổ chức này công bố bảng xếp hạng. Ngân sách phân bổ cho ngành y tế chỉ chiếm 0,3% GDP của Myanmar trước khi nước này bắt đầu tiến hành các cải cách dân chủ vào năm 2011. Hồi tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Myanmar chỉ có 383 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) và 249 máy thở để phục vụ cho dân số 51 triệu người. Con số này quá thấp so với nước láng giềng Thái Lan, nơi có 6.000 giường ICU và hơn 10.000 máy thở. |
Theo Reuters, Mizzima
Xem thêm: lmth.tahp-gnub-2-tod-divoc-hcid-ihk-iat-auq-ramnaym-et-y-gnoht-eh/963803/nv.semitnogiaseht.www