Bộ ba tác phẩm của nhà văn Đoàn Minh Phượng - Ảnh: L.ĐIỀN
Nhà văn Đoàn Minh Phượng vừa trở lại với bạn đọc bằng bộ ba tác phẩm in cùng lượt: ngoài hai quyển tái bản Và khi tro bụi với Tiếng Kiều đồng vọng (tên cũ là Mưa ở kiếp sau), tiểu thuyết mới Đốt cỏ ngày đồng gây ấn tượng bởi hàm súc, đẹp và đa nghĩa.
Thế giới tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng trong Đốt cỏ ngày đồng khởi từ cái đẹp. Người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp để làm ra tác phẩm cũng như thêm một lần làm sinh sôi cái đẹp cho đời.
Từ nhân vật xưng tôi, độc giả có thể thấy cuộc sống đời thường, chiều sâu suy nghĩ, những ám ảnh về xã hội/con người trong hành trình người nghệ sĩ đi tìm chất liệu để sáng tác.
Từ khởi phát ấy, Đoàn Minh Phượng khéo léo nén chặt những bi kịch xảy ra cho bản thân nhân vật là người nghệ sĩ trước cách thế ứng xử với cuộc đời.
Cảm giác như tác giả đã sử dụng ít nhiều thủ thuật điện ảnh để cấu trúc mạch truyện đạt độ hàm súc đáng kể.
Sự cố bắt người, tập tác phẩm cất trong tủ người yêu ở lại bị xem là tài liệu cấm, và hệ lụy kế tiếp là nó đẩy một người nữ mong manh vào đường cùng, lọt vào đường dây lừa lọc với những con thú đội lốt người thạo việc biến thân xác phụ nữ thành một nấc thang vừa để cho người này bước lên những tầng danh lợi, vừa vùi dập những thân phận thấp hèn xuống sâu hơn nữa trong những lớp nhơ bẩn của cuộc đời.
Kỳ lạ thay, ở tận tầng đáy xã hội vẫn còn cái đẹp tột cùng. Q - một cô gái giang hồ câm điếc nhưng đẹp đến nao lòng cả những "đồng nghiệp" xung quanh, là một tồn tại có chất biểu tượng: Giữa một thế giới bất an, cái đẹp hiện diện ngay cả ở cách thức không hoàn hảo nhất.
Bản thân khuyết tật, thân phận bị dập vùi, cuộc sống không tương lai... nhưng Q vẫn như đóa hoa đẹp lạ lùng bất chấp. Cho đến sự cố chính Q rút dao đâm chết gã đàn ông vẫn chung đụng với cô, đóa hoa ấy như một lần bung nở rồi mất hút giữa cuộc đời...
Với những chất liệu có thể xây dựng thành bộ phim với nhiều trường đoạn ly kỳ hấp dẫn, thậm chí đậm chất lãng mạn, kỳ ảo, Đoàn Minh Phượng làm một việc kỳ công hơn nhiều: dùng ngôn ngữ để đúc dựng thành một tiểu thuyết chưa đến hai trăm trang.
Công phu ấy đưa thế giới truyện vượt ra khỏi dung lượng câu chữ, vượt luôn khỏi tư duy của chính tác giả. Bởi giờ đây, Đốt cỏ ngày đồng với mỗi người đọc chắc chắn sẽ cựa quậy trong tâm trí theo mỗi cách khác nhau. Chỉ có điểm chung là cảm nhận về cái đẹp.
Công phu của tác giả còn ở chỗ dụng công để có rất nhiều câu chữ đẹp. Và may mắn thay, qua những "lớp truyện" mặc dù kiệm lời, người đọc kịp nhận ra một tinh thần hướng thượng được tác giả tạo thành mạch chảy âm thầm qua những biến cố của nhân vật.
Đó là T, một tu sĩ, như là một người tình, một ân sư, người có kiến thức giúp "tôi" tồn tại trong trạng thái vô minh, đồng thời cũng có năng lực neo giữ niềm tin của người tín nữ kia hướng vào điều thiện và nuôi dưỡng trí tuệ để quán sát hành động trong cuộc đời.
Một tiểu thuyết nhỏ bé, nhưng sức nặng thật bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi sức nặng đến từ cái đẹp. Tất nhiên đó cũng là một công dụng của ngôn từ.
TTO - Đó là tên cuốn sách về giáo sư - viện sĩ Phạm Huy Thông (1916-1988) vừa được ấn hành.
Xem thêm: mth.67394758071900202-na-tab-ioig-eht-auig-ped-iac-gnouhp-hnim-naod-auc-mahp-cat-3/nv.ertiout