Sau khi hãng phần mềm Mỹ Oracle đánh bại tập đoàn công nghệ đa quốc gia Microsoft trong cuộc cạnh tranh mua lại ứng dụng video giải trí TikTok, chính quyền Washington tuyên bố sẽ “sớm” đưa ra quyết định về thương vụ này.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ hôm 16-9 rằng ông chưa sẵn sàng ký chấp thuận hợp đồng giữa Oracle và tập đoàn công nghệ Trung Quốc ByteDance (công ty chủ quản của TikTok), hãng tin Sputnik cho hay.
"Không, tôi vẫn chưa chuẩn bị để ký bất cứ điều gì cả, tôi cần phải xem xét kỹ thêm về thỏa thuận này" - ông Trump nói với các phóng viên, cho biết ông còn lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Khi được hỏi liệu chính phủ Mỹ có được hưởng lợi từ thương vụ này hay không, Tổng thống Trump trả lời rằng không có cách nào hợp pháp để đảm bảo lợi nhuận thu được từ việc mua lại TikTok sẽ được chuyển về chính phủ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chưa sẵn sàng ký chấp thuận hợp đồng mua lại ứng dụng TikTok. Ảnh: AP
Theo Sputnik, chính quyền Washington sẽ gửi các báo cáo mới nhất về thỏa thuận giữa Oracle và ByteDance cho Tổng thống Mỹ vào sáng ngày 17-9 (giờ địa phương).
"Họ sẽ báo cáo với tôi vào sáng mai và tôi sẽ cho bạn biết tình hình cụ thể thế nào" - ông Trump nói.
Trước đó vào đầu tháng tám, Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng chính phủ Mỹ sẽ được hưởng lợi sau khi đã tạo điều kiện cho thương vụ mua lại TikTok được diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, mong muốn này đã vấp phải các rào cản và quy định của Bộ Tài chính Mỹ, Sputnik đưa tin.
Logo ứng dụng TikTok đặt trên quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Hôm 14-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance bán lại các hoạt động của Tiktok cho Mỹ trong vòng 90 ngày. Theo đó, nếu thương vụ không được hoàn thành, Tiktok sẽ phải ngừng hoạt động tại Mỹ sau ngày 15-9.
Gần một tháng sau đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không kéo dài thời hạn đặt ra cho công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance để có thể hoàn thành thương vụ bán lại mạng xã hội TikTok tại Mỹ.
TikTok là một ứng dụng vô cùng nổi tiếng, được hơn một tỉ người trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 175 triệu người Mỹ, sử dụng để tạo video ngắn trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, ông Trump cùng nhiều quan chức Mỹ khác đã nhiều lần nêu lên mối quan ngại về an ninh quốc gia khi cho rằng ứng dụng này đang đóng vai trò một gián điệp, thu thập thông tin người dùng Mỹ và chia sẻ lại cho chính quyền Bắc Kinh.
Đáp lại các cáo buộc liên quan, TikTok bác bỏ mọi liên hệ với Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ vẫn được lưu trữ an toàn tại Mỹ và TikTok chưa bao giờ chia sẻ chúng cho chính phủ Trung Quốc.