Các ngân hàng và công ty môi giới Trung Quốc, gồm cả China International Capital, CITIC Securities và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, sẽ là những nhà bảo lãnh lớn nhất cho các đợt niêm yết lớn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngân hàng quốc tế ngày càng mất thị phần, ngay cả ở trung tâm tài chính toàn cầu – Hồng Kông .
Theo Philippe Espinasse, một nhà tư vấn thị trường vốn, việc các ngân hàng Trung Quốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn là điều không thể tránh khỏi.
"Với tình hình chính trị hiện nay, một số công ty Trung Quốc có ý định lên sàn cũng có thể không muốn đưa các công ty dịch vụ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, vào danh sách bảo lãnh phát hành", ông Espinasse nói.
Dữ liệu của Refinitiv chỉ ra các ngân hàng toàn cầu như Morgan Stanley và Goldman Sachs đã không nằm trong top đầu doanh thu phí niêm yết của các công ty Trung Quốc ở Hông Kông trong 4 năm trở lại đây.
Mặc dù vai trò của họ bị hạn chế trong việc bán cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục, đến nay, các công ty này vẫn thoải mái vì thu về túi hơn 4/5 mức phí được đưa ra khi các công ty Trung Quốc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq. Các công ty Trung Quốc đã trả phí tư vấn và bảo lãnh trung bình 260 triệu USD/năm trong 5 năm qua cho việc niêm yết tại Mỹ.
Lưu ý: Không tính đợt niêm yết lần hai. Số liệu tính tới ngày 2/9.
Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Tổng Mỹ thống Donald Trump và các cơ quan chức năng của Mỹ cũng đang đe dọa lợi ích này.
Tháng trước, các nhà chức trách Mỹ tiết lộ kế hoạch loại bỏ các công ty Trung Quốc đã niêm yết vào tháng 1/2022 và chặn các đợt chào bán cổ phiếu mới ngay lập tức nếu họ không cấp cho các cơ quan chức năng Mỹ quyền truy cập vào hồ sơ tài chính đã được kiểm toán của họ.
Các công ty Trung Quốc từ chối chia sẻ tài liệu, viện dẫn luật trong nước về việc cấm truy cập như vậy với lý do các báo cáo có thể chứa bí mật quốc gia.
Động thái của Mỹ diễn ra vào thời điểm các nhà chức trách Hong Kong, thị trường niêm yết mới lớn nhất thế giới trong 7/11 năm qua, và chính quyền Bắc Kinh nới lỏng các quy tắc bán cổ phiếu mới.
Bắc Kinh cũng đã thực hiện một loạt các cải cách thị trường chứng khoán trong nỗ lực thu hút các công ty dự định niêm yết tại Mỹ nếu không có lời đe dọa gần đây.
Theo Dealogic, các công ty Trung Quốc đã huy động được 70 tỷ USD trên các sàn Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến trong các đợt niêm yết mới của năm nay. Con số này sánh ngang với tổng giá trị IPO ở cả trên sàn Nyse và Nasdaq là 75 tỷ USD.
Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, vốn đã niêm yết tại Mỹ, giờ chuyển sang niêm yết lần hai ở Hồng Kông. Nhà khổng lồ công nghệ Alibaba Group Holding, nhà bán lẻ trực tuyến JD.com, nhà phát triển trò chơi NetEase và công ty điều hành KFC tại Trung Quốc, Yum China, đã huy động được hơn 20 tỷ USD kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, tác động về phí niêm yết sẽ không rõ ràng trong năm nay vì một số công ty như cổng thông tin bất động sản Beike Zhaofang và các nhà sản xuất xe điện Xpeng Motors và Li Auto, đã niêm yết ở Mỹ để tránh lệnh cấm.
Cho tới thời điểm hiện tại, những công ty này đã huy động được tổng cộng 7 tỷ USD, con số lớn nhất kể từ IPO 25 tỷ USD của Alibaba cách đây 6 năm, thu về gần 340 triệu USD tiền phí.
Các công ty khác, gồm Ant Group – côn ty con của Alibaba, đã quyết định bán cổ phiếu trên sàn STAR – được xem như Nasdaq Thượng Hải, ra mắt vào năm ngoái, và trên thị trường chứng khoán Hồng Kông thay vì New York.
Theo một nguồn thạo tin, nếu Ant thực hiện IPO ở New York như Alibaba, các ngân hàng bảo lãnh sẽ thu về một khoản phí khổng lồ.
Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley và China International Capital, hoặc CICC, đang tài trợ cho đợt IPO của Ant tại Hồng Kông, trong khi CSC Financial cùng với CICC sẽ bảo lãnh cho hoạt động niêm yết tại Thượng Hải, nơi lượng vốn được huy động lớn hơn và bán được nhiều cổ phiếu hơn.
Theo hồ sơ niêm yết, đợt IPO trị giá 25 tỷ USD của Alibaba tại New York vào năm 2014, là đợt IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, mang về cho Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, JPMorgan và Morgan Stanley 300 triệu USD tiền phí. Đợt niêm yết lần hai trị giá 13 tỷ USD của công ty trên sàn Hồng Kông vào năm ngoái chỉ mang về 32 triệu USD.
Các công ty Trung Quốc đã trả 338 triệu USD phí IPO tại Mỹ cho đến nay trong năm nay, bằng 4,9% tổng số tiền thu được. Trong khi niêm yết ở Hồng Kông, các công ty này chỉ trả 234 triệu USD hoặc 2,3% số tiền huy động được trên thị trường này, dữ liệu từ Refinitiv cho thấy.
Cũng theo Refinitiv, sự thống trị của các ngân hàng Trung Quốc và các công ty môi giới trong top 20 ngân hàng thu phí ở Hồng Kông đã tăng đều đặn kể từ năm 2016. Các công ty này đã thu 55% phí của 20 công ty lớn vào năm 2016 và đã tăng lên gần ¾ ở thời điểm hiện tại.