Nông dân được cứu nhờ chính sách dùng đàn heo và cây trồng làm tài sản thế chấp
Ricky Hồ - Lê Hiếu
(TBKTSG Online) - Kiểu người nghèo dùng vật nuôi, cây trồng để thế chấp cho nhà giàu để vay tiền ở thời kinh tế sơ khai của loài người nay đang được các ngân hàng dùng lại như một cách giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay thời đại dịch Covid-19. Cách vận dụng này đang dần trở nên phổ biến và trở thành chính sách hay luật trong mùa dịch Covid-19 ở các quốc gia châu Á.
Thái Lan: Cải cách pháp lý quan trọng trong 80 năm
Tháng 7 vừa rồi, Chính phủ Thái Lan thông qua đề xuất của Bộ Thương mại cho phép nông dân dùng 58 loại cây có giá trị kinh tế cao làm tài sản thế chấp. Bà Narumon Pinyosinwa – người phát ngôn của chính phủ – nói rằng: “Đây là biện pháp để giúp người dân tiếp cận trợ giúp tài chính và khuyến khích nông dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao trong cộng đồng”.
Trong 58 loại cây này, có cây gỗ teak, cây xoài, cây sầu riêng, cây me và tất cả các loại tre.
Thu hoạch sầu riêng ở Chanthaburi, tỉnh có diện tích trồng lớn nhất Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Thật ra, chính sách mới chỉ là việc mở rộng của sáng kiến đưa ra vào tháng 7-2016, cũng với 58 loại cây có giá trị cao. Nhưng lúc đó, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) được thực hiện với giá trị cầm đến 80% tài sản thế chấp – tức 58 loại cây nói trên. Cần phải nhấn mạnh đây là sáng kiến đột phá, bởi khi nông dân đem đất đai đến ngân hàng cầm cố thì cao nhất chỉ lấy được 50% giá trị của miếng đất mà thôi!
Thời gian thế chấp có thể kéo dài đến 10 năm và lãi suất thấp hơn một điểm phần trăm so với lãi suất thấp nhất các ngân hàng áp dụng cho nông dân.
Chương trình thế chấp cây trồng là cải cách pháp lý quan trọng đối với nền nông lâm nghiệp Thái Lan trong 80 năm qua. Đó là sửa đổi Luật về quản lý rừng năm 1941 và chỉnh sửa liên tục Luật về các giao dịch có tài sản thế chấp (STA) được giới thiệu lần đầu vào tháng 7-2016.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tham gia tư vấn cho việc soạn thảo đạo luật này cùng với các ngân hàng quốc doanh và tư nhân. Các tổ chức tư nhân và các tổ chức tư nhân và các trường đại học cũng được tham vấn trong việc ra chính sách mới. Tiến sĩ Sapit Diloksumpun thuộc khoa Lâm nghiệp của Đại học Kasetsart nói rằng việc định giá giá trị của cây trồng là “sự tính toán kỹ lưỡng và đầy khó khăn”.
Các nhà nghiên cứu phải căn cứ vào thời gian sinh trưởng và giá trị của các loại cây lấy gỗ. Chẳng hạn, bạch đàn có tốc độ tăng trưởng nhanh, được xếp vào lại có giá trị gỗ thấp. Các loại gỗ táu (apitong) hay gỗ teak có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cho chất lượng gỗ khá cao trên thị trường. Trong khi đó, gỗ đỏ Hồng Xiêm (Siam Rosewood) có tốc độ tăng trưởng chậm nhưng cho loại gỗ thượng phẩm.
Các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng hay me dễ định giá hơn bởi thời gian canh tác ngắn hơn các cây lấy gỗ và biến động giá dễ nắm bắt hơn.
Các nhà định giá cũng được mời vào cuộc. Ông Pairat Monthapan, chủ tịch Hiệp hội các nhà định giá Thái Lan (TVA), nói rằng đây là lần đầu tiên 58 loại cây giá trị cao được định giá theo cách thức hoạt động của thị trường dầu mỏ hay thị trường đầu tư mạo hiểm. Các nhà định giá xem xét kỹ ba yếu tố: giá thành sản xuất, giá thị trường và giá trị trong tương lai.
Thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tập đoàn CP của Thái Lan vừa đầu tư 4,1 tỉ đô la để thu mua 43 công ty con giống, trại nuôi heo thịt, lò mổ và chế biến thực phẩm. Ảnh: CPFoods |
Đến nay, Ngân hàng BAAC đã cho vay 60 tỉ baht – khoảng gần 2 tỉ đô la Mỹ – trong chương trình thế chấp cây trồng. Ngân hàng này nói dự định sẽ nâng chương trình cho vay đạt 100 tỉ baht trong năm tài chính mới. Ngoài BAAC, có thêm ít nhất sáu ngân hàng và tổ chức tín dụng khác tham gia như quăng cái phao cứu sinh này kịp thời cho người nông dân.
Chương trình này đã tạo sự chuyển đổi lớn với nền nông nghiệp Thái Lan. Tại tỉnh Chanthaburi – nơi chiếm 20% diện tích trồng sầu riêng của cả nước, các đồn điền cao su già cỗi được phá đi để trồng sầu riêng với hai gã thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và JD.com bao tiêu cho thị trường Trung Quốc. Tại các tỉnh miền Bắc, tình trạng phá rừng được giảm bớt và các lâm trường không còn “bán lúa non” khi đốn hạ cây gỗ chưa đến tuổi.
Trung Quốc: Nhà nông được cứu, Chính phủ đạt mục tiêu tái đàn
Lo ngại về lạm phát giá lương thực và thiếu thịt heo dịp Tết sắp tới, Trung Quốc khuyến khích nông dân tái đàn heo và mở rộng các trang trại. Nhưng các trang trại nhỏ - chiếm 1/3 trong số hơn 26 triệu trang trại nuôi heo của cả nước – đang phải vật lộn với các khoản nợ và không có ít tài sản để thế chấp vay mượn từ ngân hàng.
Đàn heo hiện nay ở nước này vẫn ít hơn khoảng 20% so với cuối năm 2017. Vì thế, Chính phủ Trung Quốc hối thúc các ngân hàng quốc doanh nỗ lực tìm giải pháp. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan quản lý ngân hàng và nông nghiệp của Trung Quốc đã thúc giục các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong việc hỗ trợ người chăn nuôi heo tốt hơn, bằng cách phát triển các chương trình thí điểm trong việc sử dụng đàn heo làm tài sản thế chấp.
Trung Quốc đang cấp tốc tăng thêm 20.000 trang trại heo trong các tháng cuối năm 2020. Ảnh: Reuters |
Tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp nước này yêu cầu các ngân hàng chấp nhận các tài sản thế chấp như heo, quyền sử dụng đất và máy móc nông nghiệp. Họ cũng hạ thấp điều kiện của chương trình hỗ trợ cho vay riêng biệt xuống 90% để trang trải cho những nông dân với đàn heo có số lượng dưới 500 con.
Kể từ đó, hàng chục triệu đô là đã được bơm cho các chương trình tín dụng này. Tháng 6, tỉnh Triết Giang ở miền đông Trung Quốc, cho biết nông dân 32 quận của tỉnh đã vay tổng cộng 178 triệu nhân dân tệ, tương đương 26 triệu USD, bằng khoản vay được thế chấp bằng heo.
Ở thành phố Trùng Khánh, một công ty chăn nuôi heo thế chấp đàn heo nái cho ngân hàng địa phương để vay đến 38,5 triệu nhân dân tệ, tương đương với 5,6 triệu đô la. Khoản vay này cao gấp bốn lần trước đó, đồng thời lãi suất cũng giảm từ 7,4% xuống còn 5%.
Các khoản vay có thế chấp vật nuôi chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc. Các định chế tài chính và ngân hàng cũng miễn cưỡng trong mở rộng hình thức cho vay này.
Yanyan Liu, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức về việc định giá đàn heo và các biện pháp cưỡng chế tài sản. Liu cho biết giá heo luôn biến động liên tục, có nghĩa là các ngân hàng có thể chịu lỗ nếu giá heo suy giảm sau khi họ phê duyệt các khoản vay. Các ngân hàng cũng phải cần phải phát triển các hệ thống để định giá heo và theo dõi, quản lý hoặc thậm chí xử lý đàn heo.
Feng Yonghui, chuyên gia phân tích tại cổng thông tin công nghiệp chăn nuôi heo Soozhu.com, cho biết các ngân hàng có xu hướng định giá khá thấp đối với những con heo của nông dân khi quyết định cung cấp một khoản vay lớn. Hơn thế nữa, các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng yêu cầu nông dân phải kết hợp các tài sản khác, như cơ sở vật chất hoặc máy móc, với đàn heo của họ để được cho vay.
Cách thức vay mượn bằng thế chấp kiểu này từng tồn tại ở thời sơ khai của kinh tế trao đổi, khi người giàu ứng tiền để bắt nọn nông dân nghèo lúc khó. Nhưng thế chấp vật nuôi và cây trồng để vay mượn từ ngân hàng trở nên phổ biến và trở thành chính sách hay luật trong mùa dịch Covid-19.