vĐồng tin tức tài chính 365

Cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ

2020-09-17 17:35

Cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ

Hùng Lê

(TBKTSG Online) - Đại diện của các thương hiệu nổi tiếng, những nhà sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối quốc tế như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus,... đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam tại một sự kiện diễn ra ngày 17-9 ở TPHCM để tìm hiểu, tuyển chọn nhà cung ứng có đủ năng lực.

Theo giới phân tích thời điểm này là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và trở thành nhà cung cấp của các thương hiệu lớn, các công ty đa quốc gia.

Đại diện nhà đầu tư tìm hiểu sản phẩm linh kiện của doanh nghiệp Việt Nam tại sự kiện ngày 17-9. Ảnh: Hùng Lê

Cơ hội lớn từ hàng chục nhà sản xuất

Panasonic, hãng điện tử và đồ điện gia dụng nổi tiếng của Nhật Bản dự kiến trong tháng 9 này hoặc đầu tháng 10 tới sẽ đưa nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Dự án chuyên sản xuất quạt trần và quạt thông gió với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ này sẽ trở thành nhà máy thứ 7 của tập đoàn ở Việt Nam.

Do đó, nhu cầu về tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện tại chỗ trong sản xuất với Panasonic hiện nay là rất lớn.

Tại buổi tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam ở TPHCM vào ngày 17-9, bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho biết sản phẩm Panasonic sản xuất ở Việt Nam khá đa dạng từ ti-vi, tủ lạnh, máy lạnh... đến các loại đồ điện gia dụng nên cơ hội cho các nhà cung cấp có năng lực ở Việt Nam là khá lớn và rộng.

Bà hy vọng tại buổi gặp gỡ này, các công ty nội địa có thể đáp ứng các yêu cầu và trở thành nhà cung cấp cho Panasonic.

"Panasonic không có sự phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước. Cơ hội là như nhau, chúng tôi đưa ra các điều kiện cụ thể, rõ ràng, vấn đề còn lại là nhà cung ứng đáp ứng được các yêu cầu và sản phẩm đạt chất lượng tốt", bà Thủy chia sẻ.

Sự kiện SFS 2020 với sự tham gia của 14 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, y tế kỹ thuật cao tham gia kết nối với khoảng 60 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của TPHCM, với hơn 250 cuộc kết nối.

Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị điện không dây dùng ngoài trời Techtronic Industries Co. Ltd. (TTI), đang "nóng ruột" với mục tiêu tìm được đến 200 nhà cung cấp trong nước để phục vụ cho dự án nhà máy 650 triệu đô la Mỹ đang được triển khai ở Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) của mình.

Không riêng chủ đầu tư dự án đến từ Mỹ này lo lắng mà ngay cả Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM và Sở Công Thương TPHCM cũng sốt ruột với mục tiêu đặt ra của TTI hiện nay.

Bởi lẽ Việt Nam được xem là thị trường quan trọng đối với chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu của TTI. Dự án sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng này khi đi vào hoạt động sẽ mang về doanh thu hàng tỉ đô la xuất khẩu. Do đó, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

"Nhà đầu tư đặt mục tiêu trong vòng một năm sẽ đạt được 200 nhà cung cấp nội địa, một chuyện quá khó khăn với chúng tôi", bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, chia sẻ, và cho biết trong thời gian qua mỗi tháng trung tâm bà và đại diện TTI định kỳ có cuộc gặp gỡ để trao đổi về việc tìm kiếm và kết nối các nhà cung cấp trong nước.

"Nhu cầu của TTI là rất lớn, trong khi thời gian đặt ra trong vòng 1 năm là quá ngắn" bà Oanh nói, và cho rằng để phát triển được một nhà cung cấp phải mất thời gian ít nhất 2 năm.

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam hiện khá lớn. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Không riêng Panasonic và TTI, mà sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020, có đến 14 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện, bà Oanh chia sẻ. Những doanh nghiệp này hoạt động trong ngành sản xuất công nghiệp điện tử, thiết bị y tế, cơ khí chế tạo…

Doanh nghiệp có nắm bắt?

Tương tự, theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), không chỉ những doanh nghiệp nước ngoài tham gia tại sự kiện này, mà trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam, nhất sau đại dịch Covid-19 này.

"Đây là cơ hội lớn chưa từng có của các nhà cung cấp Việt Nam", bà Loan nói, và cho rằng nhiều doanh nghiệp FDI của Mỹ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước nên đã tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp trong nước - chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ để thay thế.

"Riêng tại khu công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp cũng nhận được đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng", bà Loan thông tin lại những chia sẻ của doanh nghiệp tại SHTP.

Chính sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đang tạo ra thời cơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay, bà Loan chia sẻ.

Điều này cho thấy cơ hội và thời cơ tham gia vào chuỗi cung ứng các tập đoàn đa quốc gia của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội trước mắt nhưng năng lực có hạn, vốn ít, nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, công nghệ, trình độ nhân công chưa cao,...

Thực tế này không phải mới diễn ra mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp tại chỗ.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao... Dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng này đối với các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng không phải dễ dàng.

Để cải thiện việc này, theo bà Oanh và bà Loan, chính bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào.

Kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 17-9, Sở Công thương TPHCM phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 (SFS 2020).

Hội nghị là hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam và TPHCM.

Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, ông Nguyễn Phương Đông, tin tưởng hội nghị tiếp tục là cầu nối hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ được gặp gỡ tiếp xúc và kết nối giao lưu với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên kết tăng khả năng tiếp cận, trao đổi với các đối tác tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa.

Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tạo động lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thành phố.

 

Xem thêm: lmth.ort-uhp-peihgn-gnoc-mahp-nas-gnu-gnuc-iouhc-oav-pahn-aig-ioh-oc/973803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools