vĐồng tin tức tài chính 365

Vấn nạn xin tiền qua điện thoại trong nhà tù Mỹ

2020-09-17 18:15

Từ sau song sắt nhà tù hạt St. Clair, bang Alabama, những cuộc gọi xin tiền của Wood diễn ra không ngừng. Trong các cuộc gọi, người thân thường nghe thấy giọng người khác đang dặn Wood phải nói thế nào. "Đây là chuyện liên quan tới sinh mệnh đấy, mọi người không biết trong này thế nào đâu", Wood van nài.

Trước chiêu trò tống tiền rõ ràng, Stephen Davis, anh họ của Wood, dặn mọi người trong nhà đừng gửi tiền vì em trai có thể bị đánh nhưng những trận đòn sẽ dừng lại khi kẻ xấu biết không thể đòi thêm tiền. Tuy nhiên, một tối tháng 7/2017, ít lâu sau khi từ chối ba cuộc gọi xin tiền, Davis nhận được cuộc gọi thứ tư từ giám thị nhà tù. Wood bị siết cổ chết trong buồng giam ở tuổi 33.

Angela Wood, bà mẹ có con trai bị sát hại trong buồng giam sau khi gia đình ngưng trả tiền bảo kê. Ảnh: New York Times.

Angela Wood, bà mẹ có con trai bị sát hại trong buồng giam sau khi gia đình ngưng trả tiền bảo kê. Ảnh: New York Times.

Nhà chức trách chưa xác định được mối liên hệ giữa cái chết của Wood với việc tống tiền. Nhưng theo New York Times, sự việc này đã phản ánh hậu quả đáng sợ do sự thờ ơ trong thời gian dài của Phòng Cải huấn bang Alabama, thể hiện qua việc không thể triệt tiêu vấn nạn điện thoại di động bị tuồn lậu vào tù.

Bobby Monaghan, 55 tuổi, người từng ngồi 10 năm tại nhà tù hạt St. Clair cho tới khi được hủy bản án vào năm 2018, cho biết các băng đảng đường phố kiểm soát vật cấm trong tù như ma túy và điện thoại và đôi khi có sự cấu kết của quản giáo. Nếu phạm nhân trở thành mục tiêu mà người thân không chịu trả tiền, anh ta sẽ bị đâm. "Đó là cách vận hành", Monaghan nói.

Bộ Tư pháp Mỹ đồng ý với Monaghan. Năm 2019, cơ quan liên bang này từng cáo buộc tiểu bang Alabama đã "cố ý thờ ơ" khi không xử lý những vấn đề gây ảnh hưởng tới sự an toàn của phạm nhân như quá tải buồng giam, thiếu cán bộ, nạn tống tiền, và buôn lậu vật cấm.

Theo những cựu tù nhân tại bang Alabama, chiêu trò tống tiền diễn ra như sau: Những kẻ thường có liên hệ với băng đảng trong tù sẽ luẩn quẩn quanh căng-tin để xem phạm nhân nào hay tới mua đồ. Đây là dấu hiệu cho thấy có người bên ngoài hay nạp tiền vào tài khoản căng-tin của phạm nhân đó. Ít lâu sau, phạm nhân sẽ bị buộc tiết lộ số điện thoại của người thân, từ đó mở ra cánh cửa để kẻ xấu tống tiền.

Phạm nhân nghiện ma túy là con mồi thông thường nhất, theo Louis Singleton Jr, người chấp hành án tại nhà tù an ninh tối đa tại Montgomery, bang Alabama. Những người này dễ rơi vào cảnh nợ nần khi dùng chịu ma túy được tuồn vào trong tù. Khoản nợ 30 USD tới cuối tháng có thể trở thành 300 USD hoặc hơn, theo Singleton.

Người nghiện và nợ tiền sẽ bị gây áp lực không ngừng để phải gọi điện thoại cho người thân bên ngoài xin tiền. Người thân sẽ được dặn chuyển tiền qua nhiều dịch vụ. Với khả năng thu thập được nhiều thông tin hơn ai hết, cán bộ trại giam cũng có thể tiếp tay bằng cách tiết lộ người thân của phạm nhân nào có tiền. Họ cũng có thể quay lưng đi trong lúc "con mồi" bị đánh.

Thủ đoạn trên đã khiến nhiều người phải nộp tiền để bảo vệ người thân trong tù. Ví dụ, Debra Howard Mears phải trả 10.000 USD trong một năm để bảo vệ con trai 27 tuổi khi anh này chấp hành án bốn năm tù về tội trộm cắp tài sản và phân phối chất bị kiểm soát. Một bà mẹ khác đã bỏ ra hơn 48.000 USD trong 10 tháng để giữ cho con trai được an toàn trong nhà tù tại hạt Bibb, bang Alabama.

Trong một số trường hợp, phạm nhân có vẻ như đang gặp nguy hiểm nhưng thực tế cũng tham gia vào chiêu lừa đảo. Năm 2019, điều tra viên đã xác định được một phạm nhân tại nhà tù hạt Bibb cấu kết với hai người khác để lừa 300 USD của chính chị mình. Người chị không đâm đơn tố cáo.

Không chỉ bang Alabama, vấn nạn điện thoại cấm trong tù là nỗi bức bối của giới chức quản lý nhà tù Mỹ trong nhiều năm qua. Được tuồn vào qua nhiều đường như thả bằng drone, ném qua tường rào, nhét trong bóng rổ,..., những chiếc điện thoại đã được sử dụng trong âm mưu giết người, kế hoạch vượt ngục, và nhiều tội phạm khác. Ví dụ, năm 2019, nhà chức trách bang South Carolina đã bóc gỡ đường dây phạm nhân dùng điện thoại để lừa đảo quân nhân qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Giải pháp có vẻ khả thi là đặt máy làm nghẽn sóng nhưng đây cũng là cách làm trái phép. Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang (FTC), công nghệ làm nghẽn mạng sẽ ảnh hưởng tới các cuộc gọi 911 và những phương tiện truyền thông khác liên quan tới vấn đề an ninh công cộng.

Jeff Dunn, giám đốc Phòng Cải huấn bang Alabama, cho biết bang này có cách tiếp cận nhiều lớp để chống lại điện thoại cấm như khám xét đột xuất và dùng chó nghiệp vụ đánh hơi. Từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 6, giới chức nhà tù bang Alabama đã thu hơn 150 thiết bị điện tử, hơn 100 vũ khí, và hơn 7 kg ma túy. Ngoài ra, 22 người thân của phạm nhân và bốn nhân viên đã bị bắt vì cố tuồn vật cấm vào tù.

Tuy vậy, theo Dunn, các đường ranh giới đang có lỗ hổng. Với mức thu nhập thấp của cán bộ trại giam, sự cám dỗ để kiếm thêm tiền là khó tránh. Trong 5 năm qua, hơn 140 cán bộ "nhúng chàm" tại bang Alabama đã bị sa thải hoặc đối diện hậu quả pháp lý.

Một chiếc điện thoại 29 USD có thể được bán với giá 300 USD hoặc hơn khi được tuồn vào trong tù. Khoản đầu tư này có thể đem lại lợi nhuận khá tốt vì có điện thoại trong tay, phạm nhân có thể đe dọa bất cứ ai, ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào.

Quốc Đạt (Theo New York Times)

Xem thêm: lmth.9292614-ym-ut-ahn-gnort-iaoht-neid-auq-neit-nix-nan-nav/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vấn nạn xin tiền qua điện thoại trong nhà tù Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools