Chiều 15/9, có 16 doanh nghiệp bất động sản được nhận biểu trưng cho hơn 1.000 giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho dự án của mình từ lãnh đạo sở Tài nguyên & Môi trường và HĐND TP.HCM.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết, trên toàn địa bàn đã có tổng cộng 291.644 trường hợp đăng ký đất đai trong 8 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, đăng ký biến động là 282.591 trường hợp, bao gồm 14.999 tổ chức và 267.592 cá nhân. Đăng ký ban đầu là 9.053 GCN. Tính đến tháng 8/2020 toàn Thành phố này đã cấp được 1.558.821 GCN, đạt 97,91%.
“Theo đó, khâu xác định giá đất của dự án để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước được xác định là giai đoạn quan trọng. Vì thực tế có hàng chục dự án bị “treo” sổ hồng chỉ vì tắc tiền sử dụng đất của dự án, doanh nghiệp”, ông Thắng nhận định.
Bên cạnh đó, hiện nay có 7 nhóm vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác trao GCN, như: việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá; việc xác định giá đất trong quá khứ; các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá; việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa; việc cấn trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính…
Sau buổi lễ, sở TN&MT khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Sở - ngành của Thành phố này giải quyết sớm cho 16 dự án khác với 60.000 căn hộ đã hoàn chỉnh pháp lý.
Với những vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền trong công tác xác định giá đất, cơ quan chuyên môn đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận tổ chức buổi họp nhằm cùng có giải pháp tháo gỡ.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải biểu dương sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan đã rất nỗ lực trước những khó khăn, mang lại đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Song, vị lãnh đạo cũng đặt ra nhiều câu hỏi khó cho các cơ quan quản lý đất đai, xây dựng.
“Đây có phải là việc không bình thường hay không? Chúng ta phải trả lời với nhau, khẳng định đây là việc rất bình thường. Năm 2017, Thành phố chúng ta trao 650 nghìn GCN, năm 2018 là 730 nghìn GCN. Đến năm 2019 là gần 600 nghìn GCN. Và 8 tháng đầu năm 2020 cũng ghi nhận nỗ lực phấn đấu rất đáng ghi nhận”, ông Hải đánh giá.
Nói về khó khăn trong giải quyết GCN cho doanh nghiệp và người dân, ông Hải chỉ ra, còn nhiều vướng mắc trong hồ sơ, quá trình thẩm định, thông tin chưa rõ và nhiều lý do khác. Trong đó, có lý do thật sự rất khó khăn là yếu tố pháp lý. Nhiều vấn đề không thuộc thẩm quyền của TP.HCM, buộc phải xin chủ trương hướng dẫn từ cấp trên.
“Do đó, nếu có phải chờ 1 năm, cũng mong doanh nghiệp và người dân đồng hành cùng cơ quan chính quyền. Đừng đặt ra nghi ngờ tiêu cực. Dù rằng quá trình giám sát cũng ghi nhận vài trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp hay người dân. Nhưng tổng thể vẫn là sự nỗ lực rất lớn”, ông Hải chia sẻ.