Sau 3 container tôm nước lợ đầu tiên của Ninh Thuận xuất khẩu sang các thị trường Đức, Hà Lan và Anh, thì nhiều loại nông sản khác cũng bắt đầu lên đường sang châu Âu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này.
Nếu Gia Lai có cà phê và các sản phẩm từ chanh dây thì chiều nay (17/9), tại Bến Tre, những lô hàng trái cây gồm: dừa, bưởi và thanh long... cũng đã chính thức lên đường sang EU.
12 tấn bưởi, 20.000 trái dừa và 3 tấn thanh long trị giá 75.000 USD của Công ty Vina T&T chính thức lên đường sang Đức, Anh và Hà Lan. Theo cam kết của EVFTA, toàn bộ các lô hàng đều được hưởng thuế suất 0%.
Tôm xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA. (Ảnh: Dân trí)
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả được điều chỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của ĐBSCL như: nhãn, chôm chôm, thanh long, dừa, bưởi…Ngoài ra, việc cả 3 nông sản xuất khẩu trước đó là tôm, cà phê, chanh leo và tới đây là gạo cũng được hưởng thuế suất 0%. Theo Bộ NN&PTNT, lợi thế bước đầu này là cơ sở để từng ngành hàng hoàn thiện chất lượng sản phẩm.
Hiện EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của rau quả Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU trong tháng 8, tháng 9 đã tăng 17 - 20% so với tháng trước. Tăng trưởng nhanh ở một thị trường cao cấp, khó tính ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã cho thấy những thay đổi tích cực của nông sản Việt
Thách thức đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU
Những container nông sản đầu tiên đến thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA là tín hiệu vui nhưng chưa thể nói lên sự bền vững. Để tận dụng tốt được EVFTA, các doanh nghiệp cần nhận diện và đáp ứng được những yêu cầu nhỏ nhất từ phía EU.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng mới chỉ dừng ở xuất khẩu thô. Theo đại diện một doanh nghiệp, để tiếp cận được các nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu, từ đó xuất khẩu được cà phê rang xay, chỉ dẫn địa lý là một vấn đề lớn đối với cà phê Việt Nam.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả được điều chỉnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn với thủy sản, người tiêu dùng EU lại tin tưởng tiêu chuẩn ASC hơn Global GAP, bởi tiêu chuẩn này không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn quan tâm đến bảo vệ môi trường, lao động và phúc lợi động vật, những yếu tố mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn khá xem nhẹ hoặc chưa có kinh nghiệm
Hiểu thị trường để khởi động hiệu quả với các lợi thế của EVFTA, nhưng hiện có đến 77% doanh nghiệp không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới hiệp định này, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, nhìn tự thị trường EU, một số ngành hàng nông sản có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ, tiêu chuẩn do Việt Nam đang sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu về để chế biến.
Ngày 22/9 tới đây, sự kiện hạt gạo Việt tiếp tục xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA là một tín hiệu tích cực. Để có thể tham gia sâu rộng vào thị trường tiềm năng này thì những vấn đề đang được EU quan tâm như: trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, bảo vệ môi trường sản xuất, chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cần phải được thực thi một cách nghiêm túc.
VTV.vn - Sáng nay (16/9), lô hàng cà phê đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường EU với mức thuế suất 0% thay vì mức từ 7 - 11% như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!