Tuần này, Lionel Messi vừa trở thành tỷ phú USD thứ 2 trong lịch sử bóng đá thế giới. Tổng số tiền anh kiếm được kể từ lúc thi đấu chuyên nghiệp đã cán mốc 1 tỷ USD (chưa trừ thuế).
Mức lương khổng lồ Messi nhận ở Barcelona đóng góp một phần lớn vào con số trên. Nhưng trên thực tế, siêu sao người Argentina kiếm tiền không chỉ bằng công việc đá bóng hàng tuần. Anh là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng lớn, chủ nhân của nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở và ông chủ của chuỗi khách sạn, cửa hàng thời trang,..
Dưới đây là chi tiết những khoản thu đổ về ví của Messi trong năm 2020.
Tiền lương ở Barcelona
Messi bất ngờ bày tỏ mong muốn rời Barcelona rồi rút lại khoảng 2 tuần sau đó. Nhiều khả năng anh muốn nhận nốt số tiền khổng lồ CLB sẵn sàng trả cho anh trong năm cuối hợp đồng.
Vào thời điểm mới bước sang tuổi 20, Messi nhận bản hợp đồng dài hạn, với mức lương 115.000 USD/tuần. Còn hiện tại, sau khi đã giúp CLB chủ sân Camp Nou giành 10 chức vô địch La Liga, 4 Champions League thì sao?
Con số ấy theo The Sun, lên đến 92 triệu USD. Nếu tính cả thưởng dựa theo số chức vô địch Messi đem về cho Barca một mùa, tổng số tiền Messi nhận được từ CLB này có thể vượt mốc 125 triệu.
Messi là một trong những cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới
Tiền tài trợ
Khi đã vươn mình trở thành một ngôi sao lớn, tầm ảnh hưởng của bạn sẽ không chỉ dừng ở hạn mức sân cỏ và trái bóng tròn. Messi là một ví dụ điển hình.
Rất nhiều công ty, nhãn hàng lớn trên toàn thế giới muốn Lionel Messi trở thành gương mặt đại diện của họ. Việc của Messi chỉ là chụp ảnh hoặc thực hiện video quảng cáo, trong đó anh sử dụng những sản phẩm của nhãn hàng tài trợ rồi đăng tải lên các phương tiện truyền thông.
Đơn giản vậy thôi nhưng theo Forbes, mỗi năm Messi bỏ túi hơn 31 triệu USD từ những bản hợp đồng tài trợ béo bở này.
Messi bỏ túi triệu USD sau những video quảng cáo cho nhãn hàng lớn
Thương vụ lớn nhất Messi từng nhận được là kèo quảng cáo trị giá 11,6 triệu USD mỗi năm anh ký với Adidas năm 2017. Những thương hiệu lớn mà Messi hiện vẫn có hợp đồng quảng cáo là Pepsi, Gatorade, Huawei, Budweiser và Mastercard.
Kinh doanh thời trang
Năm ngoái, theo bước Ronaldo, Messi đã chính thức bước chân vào ngành thời trang. Anh hợp tác với nhà tạo mẫu Ginny Hilfiger cho ra mắt nhãn hàng mang chính tên mình, The Messi Store.
Không lâu sau khi sản phẩm của The Messi Store chính thức lên kệ, Messi còn thuyết phục thành công Richard James, một trong những thợ may nổi tiếng nhất thế giới tham gia sản xuất.
Messi bên cạnh Ginny Hilfiger và chị gái Maria Sol, 2 nhà thiết kế chính cho The Messi Store
Đương nhiên vì sản phẩm được tạo ra từ những nghệ nhân hàng đầu nên giá thành sẽ không rẻ một chút nào.
Ngoài thời trang, Messi còn đang có ý định xây một công viên. Hiện thông tin về dự án này không nhiều, fan chỉ biết rằng địa điểm của công viên là ở Trung Quốc.
Kinh doanh du lịch
Năm 2017, Messi mua lại khách sạn MiM Sitges sang trọng bậc nhất vùng resort ở thành phố Barcelona với giá 33 triệu USD.
Khách sạn này nhìn thẳng ra biển, có đầy đủ nhà hàng, quán bar, bể bơi và nhiều hạng mục giải trí khác. Tổng số phòng của khách sạn Messi lên tới 77, mức giá rẻ nhất là 155 USD/đêm.
Ngoài MiM Sitges, Messi được cho là mới mua thêm nhiều khách sạn ở vùng Majorca và Ibiza. Anh có kế hoạch sống an nhàn hết phần đời còn lại bằng số lợi nhuận thu về từ việc làm dịch vụ.
Công viên của Messi đang trong quá trình xây dựng
Còn đây là khách sạn Messi dùng 33 triệu USD mua về năm 2017
Ảnh: The Sun
Phụng Hiếu
Tri thức trẻ