Đại dịch COVID-19 đẩy nông dân Ấn Độ sâu vào khủng hoảng
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ, ông Randhir Singh đã nợ nần chồng chất. Nhìn ra cánh đồng bông bạc màu của mình bên cạnh đường ray xe lửa, ông đi vòng quanh trong vô vọng. Đầu tháng 5, ông tự sát trên chính đường ray xe lửa đó.
Nguồn: The New York Times
"Đây là điều chúng tôi lo sợ" - anh Rashpal Singh, 22 tuổi, con trai ông Singh, nghẹn ngào khóc trong ngôi nhà của gia đình mình ở Sirsiwala, một ngôi làng nhỏ ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ .
"Tình trạng đóng cửa đã giết chết cha tôi".
Bà Paramjeet Kaur, vợ ông Randhir Singh cùng con trai Rashpal Singh trong ngôi nhà ở làng Sirsiwala tại bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ (Nguồn: The New York Times)
Nhiều tháng trước, khi Ấn Độ áp đặt một trong những lệnh đóng cửa nghiêm ngặt nhất thế giới để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, sinh kế của ông Singh đã sụp đổ. Trang trại rộng khoảng nửa hecta của ông hầu như không sản xuất đủ bông để trang trải chi phí. Tình trạng đóng cửa thậm chí còn cướp đi công việc phụ của ông là tài xế xe buýt.
Ấn Độ hiện là nước dẫn đầu thế giới về các ca mắc mới COVID-19 hằng ngày, và là nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ. Ở Punjab, nơi số ca mắc tăng đột biến, lệnh đóng cửa lại được áp dụng. Các nhà kinh tế học cho biết, tình trạng này đang đẩy hàng triệu hộ gia đình vào cảnh nghèo đói và góp phần gây ra thảm kịch kéo dài: các vụ tự tử của nông dân.
Trong những ngày đầu đóng cửa, nông dân chỉ có thể đưa một phần nhỏ sản phẩm ra thị trường. Không thể bán nông sản, họ đã đốt trang trại của mình và vứt bỏ trái cây, rau quả trên đường.
Các vụ phá sản trang trại và nợ nần như những gì đã hành hạ ông Singh là những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khốn cùng của nông dân Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tình cảnh này đã trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch COVID-19.
Ông Vikas Rawal, giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, người đã dành 25 năm để nghiên cứu về tình cảnh của nông dân Ấn Độ, cho rằng hàng nghìn người sống và làm việc trong các trang trại rất có thể đã tự sát trong vài tháng qua.
Sau khi lệnh đóng cửa tại Ấn Độ được gia hạn lần thứ ba, ông Singh cho rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh nợ nần, gia đình ông kể lại.
"Bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi? Gia đình tôi biết sống thế nào đây?" - bà Paramjeet Kaur, vợ ông, lau nước mắt nói.
Số vụ nông dân tự tử trong đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ có thể chưa được thống kê đầy đủ
Người nông dân Ấn Độ chịu cảnh thất bát vì đại dịch COVID-19 (Nguồn: The New York Times)
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, vào năm 2019, có tổng cộng 10.281 nông dân và công nhân nông trại chết do tự sát trên khắp đất nước. Tự sát vẫn là một tội ác ở Ấn Độ và nhiều năm nay các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì hầu hết mọi người đều lo ngại bị kỳ thị khi trình báo vụ việc.
Theo ông Rawal, rất ít những ví dụ gần đây về tình trạng của nông dân được truyền thông Ấn Độ đưa tin.
"Thật khó để nói chính xác có bao nhiêu vụ tự tử vì có rất nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc thống kê không đầy đủ, và thậm chí các phương tiện truyền thông cũng không thể tiếp cận những khu vực xa xôi này do tình trạng đóng cửa" - ông nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp ở thủ đô New Delhi đã từ chối trả lời các câu hỏi về tình trạng tự tử của nông dân. Văn phòng thủ hiến Punjab cũng từ chối bình luận với lý do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trong 5 năm qua, số vụ tự tử của nông dân ở Punjab đã tăng hơn 12 lần, theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ.
Đại dịch COVID-19 đẩy nhiều nông dân Ấn Độ vào cảnh khốn cùng (Ảnh: The New York Times)
Những cánh đồng xanh tươi của bang Punjab trải dài đến tận chân trời che giấu hàng thập kỷ nợ nần chồng chất và khai thác đất đai quá mức. Vào những năm 1960, Chính phủ đã giới thiệu các giống lúa và lúa mì năng suất cao giúp Ấn Độ tự túc được ngũ cốc. Nhưng trong những năm qua, mực nước ngầm đã giảm xuống mức nghiêm trọng.
Những người nông dân, đang vật lộn để cứu mùa màng, đã đào giếng sâu hơn nữa. Và để chống lại sự tấn công ngày càng dữ dội của sâu bệnh, họ đã phun đầy hóa chất lên đồng ruộng. Chi phí nông nghiệp tăng vọt khiến nông dân phải gánh thêm nợ, và mùa màng thất bát trong nhiều năm cuối cùng đã phá hủy nhiều thế hệ gia đình nông thôn.
Hai mươi năm trước, cha của ông Nirmal Singh đã uống thuốc trừ sâu khi mất phần lớn đất đai mà ông sở hữu với khoản nợ khổng lồ gần hai triệu rupee, khoảng 26.700 USD. Sau đó, chị của ông Singh cũng tự kết liễu đời mình vì gia đình không đủ khả năng lo chi phí đám cưới.
Vào năm 2016, con trai của ông Singh đã chọn cách chết trên đường tàu sau khi cánh đồng bông của họ bị sâu bệnh tàn phá. "Thằng bé mới 23 tuổi," ông nói, chỉ vào bức chân dung đóng khung của con trai mình.
Ông Singh đang mắc kẹt với khoản nợ 20.000 USD chất chồng nhiều năm nay do duy trì hoạt động của trang trại. "Nhưng nông nghiệp chưa bao giờ thất thu đến thế" - ông nói.
Riêng tại ngôi làng của ông, hầu như tháng nào cũng có một vụ tự tử.
"Chúng tôi không còn nước mắt nữa. Tình trạng này đã biến trái tim của chúng tôi thành đá rồi".
"Tháng nào làng tôi cũng có vụ tự tử," ông Nirmal Singh, nông dân bang Punjab, Ấn Độ, nói (Nguồn: The New York Times)
Ông Singh cũng đang phải chi nhiều tiền hơn để điều hành trang trại của mình những ngày này, do nhiên liệu tăng giá trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, cùng với đó chi phí thuốc trừ sâu cũng tăng theo.
Khi nông dân ở Punjab bắt đầu gieo sạ lúa trong đại địch, họ không thể tìm được lao động nông nghiệp. Họ phải chạy đôn chạy đáo thu xếp và trả tiền cho bất cứ phương tiện nào khả thi như xe buýt, máy kéo, để đưa các công nhân, thường là từ các bang miền bắc Bihar và Uttar Pradesh tới.
Trong khi đó, tuyệt vọng và không có việc làm trong gần ba tháng đóng cửa, các công nhân yêu cầu mức lương gấp đôi, gấp ba lần bình thường của họ.
Chính những vấn đề đó làm chi phí duy trì nông trại càng trở nên cao hơn, đồng nghĩa với việc nợ nần càng chồng chất hơn.
Lao động nông nghiệp di cư từ các bang Bihar và Uttar Pradesh (Nguồn: The New York Times)
Một nông dân khác, ông Leela Singh, ở làng Akanwali, lo sợ trang trại sẽ bị tịch thu nên đã cố gắng vay vài nghìn rupee, khoảng 100 USD, để giúp ông có thể trụ vững. Không thể trả nợ, ông đã treo cổ tự tử vào tháng 6. Anh Gurpreet Singh, con trai ông cũng đã phải bỏ học để giúp gia đình tiết kiệm chi phí.
Để hỗ trợ nông dân, vào đầu tháng 6 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các các thay đổi sâu rộng nhằm tư nhân hóa nông nghiệp. Điều này hứa hẹn cho nông dân được tự do hơn trong việc bán sản phẩm của họ bên ngoài các thị trường nông sản lớn bị chính quyền các bang đánh thuế. Tuy nhiên, nông dân đã phản đối quyết định này, cho rằng thay vì được trao thêm quyền, họ lại phải bán nông sản của mình cho những người mua doanh nghiệp độc quyền.
An Ngọc
VTV