Tân Thủ tướng Yoshihide Suga (giữa) và các bộ trưởng trong nội các mới chuẩn bị chụp hình lưu niệm tại nhà riêng ở Tokyo ngày 16-9 - Ảnh: Reuters
Sau khi được Hạ viện bầu làm tân thủ tướng nước Nhật hôm 16-9 với 314/462 phiếu hợp lệ, cựu chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga dự kiến sẽ cùng nội các mới tiến hành các chính sách quan trọng với trọng tâm là cải cách hành chính, khống chế dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế.
Hai chuyên gia về chính sách đối ngoại Nhật Bản chia sẻ với Tuổi Trẻ những nhận định ban đầu về chính sách đối nội, đối ngoại của tân Thủ tướng Yoshihide Suga, khi ông Suga vẫn chưa có phát biểu nào đáng chú ý trên cương vị mới.
TS Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ):
Nhà điều phối hoàn hảo
Việc Đảng Dân chủ tự do (LDP) chọn ông Suga kế nhiệm thủ tướng Abe Shinzo thực chất không hề gây ngạc nhiên.
Ông Suga và những người ủng hộ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và Suga đã là ứng viên thủ tướng từ hơn một năm nay. Việc tìm kiếm lãnh đạo đã diễn ra từ hơn một năm trước, trong đó cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba cũng là ứng viên.
Nhưng do ông ấy có quan điểm chống thủ tướng Abe, nhiều thành viên LDP không muốn ông kế nhiệm ông Abe. Thay vào đó, họ tập trung vào cựu ngoại trưởng Fumio Kishida trước tiên, rồi mới đến ông Suga.
Người ta nhận ra rằng Suga là một ứng viên từ thời điểm ông thăm Mỹ vào tháng 5-2019. Do thủ tướng phải là người lo chính sách đối ngoại, ông Suga lại thiếu kinh nghiệm đối với lĩnh vực này, vì vậy ông đã thăm Mỹ để tìm hiểu về quốc gia quan trọng nhất đối với Nhật Bản.
Trong chuyến đi ấy, ông đã gặp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, sau đó là quyền bộ trưởng quốc phòng thời điểm ấy Patrick Shanahan.
Khi còn là chánh văn phòng nội các, ông Suga chủ yếu tập trung vào công việc như một diễn viên phụ trong phim. Ông đã làm rất tốt việc kết nối giữa chính trị gia và nhiều bộ ngành, vì vậy ông ấy giống một điều phối viên.
Nhật Bản là một xã hội đồng thuận và bất kỳ lãnh đạo nào cũng không thể tự mình quyết định. Do vậy, kỹ năng điều phối là cực kỳ quan trọng, mà ông Suga lại là người hoàn hảo xét trên mặt này.
Và cũng nên nhớ rằng ông Suga có hệ tư tưởng tương đồng với ông Abe. Ông Suga là người muốn sửa điều 9 Hiến pháp Nhật để quốc gia này sở hữu quân đội chính danh, thay vì một dạng "lực lượng" như Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SFD). Tại Nhật, việc sửa Hiến pháp hay không đến nay vẫn thực sự là vấn đề gây chia rẽ nhất với các nhóm chính trị gia.
Ông Suga không giàu kinh nghiệm đối ngoại, nhưng ông biết cách làm chính sách. Do đó nếu ông sử dụng con đường chính trị mà ông Abe tạo ra, ông ấy có thể duy trì chính sách đối ngoại.
Dưới thời thủ tướng Abe, ông đã tạo ra Ban An ninh quốc gia (NSS) nhằm thiết kế chiến lược quốc gia.
Và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi sẽ tiếp tục công việc của mình, trong khi đó em trai của thủ tướng Abe, ông Nobuo Kishi, sẽ là bộ trưởng quốc phòng. Dàn nhân sự này cho thấy chính sách đối ngoại của Nhật Bản vẫn tiếp tục theo hướng lâu nay.
Và quả thực ông Suga cũng là người trực tiếp thực hiện một số chính sách đối ngoại liên quan tới Việt Nam, đặc biệt là chính sách nhập cư. Ông Suga là một trong những thành viên Chính phủ Nhật ủng hộ tiếp nhận lao động nước ngoài khi làm trong nội các của thủ tướng Abe.
Bà Saori Katada (giáo sư quan hệ quốc tế, ĐH Southern California - USC):
Nhật sẽ tiếp tục chủ động trong khu vực
Chiến thắng của ông Suga liên quan nhiều tới chính trị nội bộ LDP. Vì nhiều người muốn tiếp tục chính sách của thủ tướng Abe, ứng viên Ishiba không được chào đón.
Trong khi đó, đặt ông Fumio Kishida và ông Suga lên bàn cân thì ông Suga có sự ủng hộ nhiều hơn từ những chính trị gia có sức nặng, ví dụ như Toshihiro Nikai. Truyền thông quen với điều này, và sau đó hình ảnh này được phản ánh qua công chúng.
Cảm nhận của tôi là ông ấy sẽ đi theo con đường được vạch ra khá rõ ràng từ ông Abe cũng như những người ủng hộ ông. Điều này có thể mang ý nghĩa tốt đối với một số mặt như sự ổn định, sự tham gia chủ động vào ASEAN...
Trong khi đó, ngược lại một số vấn đề sẽ không được giải quyết ngay, ví dụ chuyện về Buổi tiệc ngắm hoa anh đào (Sakura o mirukai, bị chỉ trích vì xa xỉ - PV) chẳng hạn.
Đúng là ông Suga không có nhiều điểm nhấn quá mạnh về đối ngoại. Tôi thấy rằng ông ấy sẽ tiếp bước ông Abe về chính sách đối ngoại. Một điều nữa là cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra chưa đầy hai tháng sau, nên chính sách đối ngoại của ông Suga sẽ còn chịu nhiều tác động nữa từ chuyện ở Mỹ.
Cảm nhận của tôi là ông Suga cũng sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và điều này sẽ có ý nghĩa lớn đối với sự gắn kết của Nhật Bản với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như với Việt Nam.
Giữ lại một nửa nội các cũ
Tân Thủ tướng Suga giữ lại một nửa nội các cũ của ông Abe. Theo Reuters, nội các mới của ông Suga có độ tuổi trung bình là 60 và chỉ có 2 nữ giới.
Ông Nobuo Kishi, em ruột của ông Abe Shinzo, đã được giao chức bộ trưởng quốc phòng. Trong khi đó, cựu bộ trưởng quốc phòng Taro Kono được trao lại cương vị ông từng nắm trước đây là bộ trưởng quản lý cải cách.
Những nhân vật quan trọng như Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cũng nằm trong số bộ trưởng vẫn tiếp tục tại vị. Bộ trưởng Olympics Seiko Hashimoto và Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi cũng được giữ lại.
Ông Yasutoshi Nishimura, người được ông Abe chọn làm người chỉ đạo hoạt động phòng chống COVID-19, vẫn giữ chức bộ trưởng kinh tế. Một nhân vật khác vẫn tiếp tục góp mặt trong nội các mới là Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Hiroshi Kajiyama - con trai của Seiroku Kajiyama, chính trị gia được ông Suga xem là thầy.
NGUYÊN HẠNH
TTO - Không ngoài dự đoán, ông Yoshihide Suga được bầu làm tân thủ tướng của Nhật Bản để lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc trước nhiều thử thách khó khăn, như vực dậy kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.48020909081900202-eba-gno-auc-gnoud-noc-oeht-id-agus-gno/nv.ertiout