Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng điểm học bạ THPT vào một trường ĐH ở TP.HCM - Ảnh: M.G.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có điểm sàn các ngành dao động từ 15-20 điểm. Đa số điểm sàn các ngành bằng điểm chuẩn của ngành này năm 2019, một số ngành thấp hơn từ 0,25-0,5 điểm. Năm trước, điểm chuẩn nhiều ngành tăng từ 2,5-3 điểm so với điểm sàn.
Điểm sàn vượt điểm chuẩn 2019
Năm nay, điểm sàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dao động từ 20,5-26 điểm, tăng so với năm trước. So với điểm chuẩn năm 2019, điểm sàn năm nay của rất nhiều ngành hệ đại trà của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều cao hơn.
Một số ngành cao hơn từ 0,5-1 điểm. Cá biệt, một số ngành như kinh doanh quốc tế, kỹ thuật y sinh, công nghệ kỹ thuật môi trường... vượt tường điểm chuẩn năm ngoái từ 1,5 đến gần 2 điểm.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cùng lấy điểm sàn 18 cho tất cả các ngành, trừ nhóm ngành sức khỏe. Như vậy, mức điểm sàn này đã cao hơn điểm chuẩn hầu hết các ngành của trường năm trước.
TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết đến thời điểm này trường vẫn chưa biết điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
"Căn cứ vào phổ điểm của Bộ GD-ĐT, hầu hết các môn có điểm trung bình tăng 1 điểm so với năm trước, một tổ hợp xét tuyển tăng khoảng 3 điểm. Do đó trường xác định điểm sàn 18. Dự kiến điểm chuẩn các ngành cũng sẽ tăng" - ông Quốc Anh nói.
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, năm 2019 điểm sàn các ngành dao động từ 14-17 điểm, năm nay tăng lên từ 15-21 điểm. Như vậy, điểm sàn có ngành tăng đến 4 điểm so với năm trước.
Một số ngành như khoa học hàng hải, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tàu thủy, điểm sàn năm nay cao hơn 1 điểm so với điểm chuẩn năm trước. Theo TS Trần Thiện Lưu - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, do điểm thi tăng, với một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều, trường xác định điểm sàn gần sát điểm chuẩn năm trước để thí sinh điểm thấp hơn có thể kịp thời điều chỉnh nguyện vọng.
Tại Trường ĐH Tài chính - marketing, điểm sàn cho tất cả các ngành, hệ năm nay là 18, tăng 2,5 điểm so với điểm sàn năm trước. Mức điểm này cao hơn điểm chuẩn một số ngành thuộc chương trình chất lượng cao năm 2019.
Điểm chuẩn tăng 2-3 điểm
Theo nhận định từ nhiều trường, điểm chuẩn những ngành "hot" dự kiến sẽ tăng từ 2-3 điểm. Tuy vậy, một số ngành ít thí sinh đăng ký, điểm chuẩn sẽ ít biến động. PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết ngành y khoa năm rồi có điểm chuẩn từ 23,5-24,65 nhưng năm nay có thể tăng lên mức 26-27 điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn các ngành tăng từ 1,5-4 điểm so với năm 2019. Trong đó, hai ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính có điểm chuẩn dự kiến lên đến 29 điểm.
Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết dự kiến điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin của trường có thể tăng từ 2-3 điểm so với năm trước, lên mức trên 27,75 điểm. Tuy nhiên, một số ngành ít thí sinh nhiều năm qua điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 18-19 điểm.
Theo ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn một số ngành của trường này như công nghệ sinh học, hóa học, nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ tăng mạnh so với năm trước.
Trong đó, chương trình tiên tiến ngành công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể ở mức 26,5-27,5. Các chương trình khác của nhóm ngành này dự kiến điểm chuẩn thấp hơn 0,5-1 điểm.
"Trường tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn khoảng 35% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đa số những ngành còn lại, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không quá nhiều nên điểm chuẩn có thể dao động ở mức 16-21 điểm" - ông Quán cho biết thêm.
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, TS Trần Thiện Lưu cho biết ba ngành logistics là ngành dự kiến có điểm chuẩn tăng mạnh nhất do điểm thi tăng và lượng nguyện vọng đăng ký nhiều.
Các ngành công nghệ thông tin, cơ khí ôtô cũng được dự báo có điểm chuẩn tăng cao. Thí sinh có thể lấy điểm chuẩn năm trước của trường cộng thêm 3 điểm để xác định khả năng trúng tuyển.
Điểm sàn sư phạm 18,5; y khoa 22 điểm
Ngày 17-9, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn xét tuyển với nhóm ngành sức khỏe, sư phạm. So với năm 2019, điểm sàn các ngành khối sức khỏe tăng 1 điểm, sư phạm tăng 0,5 điểm. Năm nay nhóm sư phạm có điểm sàn riêng cho các ngành năng khiếu.
Theo đó, điểm sàn xét tuyển cho các ngành sư phạm là 18,5. Riêng nhóm ngành sư phạm mỹ thuật, âm nhạc, thể chất, huấn luyện thể thao thấp hơn 1 điểm. Ngành cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non có điểm sàn 16,5.
Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành nhóm sức khỏe dao động từ 16,5-22 điểm. Các ngành y, răng hàm mặt có điểm sàn 22; dược, y học cổ truyền 21. Ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật hình ảnh y học, xét nghiệm y học, phục hồi chức năng có điểm sàn 19.
Ngày mai (19-9) bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH một lần. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến: từ ngày 19-9 đến 17h ngày 25-9. Với hình thức này, thí sinh không được thêm các nguyện vọng làm tăng số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển: từ ngày 19-9 đến 17h ngày 27-9. Với hình thức điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh có thể đăng ký thêm nguyện vọng.
TTO - Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố điểm sàn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020.
Xem thêm: mth.62814720181900202-tov-yahn-es-nauhc-meid-oac-nas-meid/nv.ertiout