vĐồng tin tức tài chính 365

Định danh khách hàng điện tử tại Việt Nam: Thị trường đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu khung pháp lý

2020-09-18 15:28

Định danh khách hàng điện tử tại Việt Nam: Thị trường đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu khung pháp lý

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG) - Định danh khách hàng điện tử (electronic know your customer - eKYC) được xem là chìa khóa cho sự phát triển ngân hàng số. Tại Việt Nam, hiện tại các điều kiện về chiến lược, công nghệ dường như đã sẵn sàng cho việc triển khai eKYC, nhưng vẫn còn thiếu khung pháp lý.

eKYC giúp phá vỡ rào cản địa lý

eKYC được hiểu là việc thiết lập mối quan hệ và định danh khách hàng bằng các phương tiện điện tử, bao gồm kênh trực tuyến và kênh di động, mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.

Để đảm bảo tính an toàn, chính xác và hiệu quả trong việc định danh khách hàng, quy trình triển khai eKYC phải cân bằng ba tiêu chí: (i) thuận tiện cho người dùng; (ii) an toàn bảo mật; (iii) phòng chống rủi ro (như gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố,...).

Để thực hiện các mục tiêu đó, eKYC sẽ kết hợp ba yếu tố xác thực cơ bản: (i) thông tin khách hàng có (ví dụ: chứng minh nhân dân, số điện thoại di động đã đăng ký); (ii) thông tin khách hàng biết (ví dụ: mã PIN, thông tin cá nhân) và; (iii) bản thân khách hàng (ví dụ: đặc điểm sinh trắc học).

Cụ thể, quy trình eKYC được xây dựng nhằm nhận dạng và xác thực thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt), chữ ký, ký tự quang học, yếu tố thật và giả trên giấy tờ pháp lý, xác nhận người thật, trạng thái cử chỉ theo thời gian thực,...

Quy trình eKYC sẽ được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện thực thể sống (Liveness Detection), công nghệ lưu trữ dữ liệu lớn (Big data) và công nghệ học máy (Machine Learning), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR),...

Việc triển khai eKYC sẽ giúp phá vỡ những rào cản về địa lý và các trở ngại khác trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính đối với rất nhiều khách hàng. Nhờ áp dụng eKYC, việc xác thực khách hàng sẽ nhanh chóng hơn, giảm chi phí giao dịch, tạo nên trải nghiệm mang tính cá nhân hóa và rút ngắn thời gian cho các giao dịch về sau.

eKYC tại Việt Nam - cửa đã hé mở nhưng khó vào

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 94% ngân hàng tại Việt Nam đã bước đầu triển khai hoặc đang trong quá trình chuẩn bị cho chiến lược chuyển đổi số. Một số ngân hàng tiên phong như VPBank, TPBank, HDBank, VietCapital Bank, VIB.

Hiện tại, eKYC được các ngân hàng áp dụng trong dịch vụ mobile banking, Internet banking và bước đầu triển khai eKYC trong lần đầu mở tài khoản thanh toán, phê duyệt thẻ tín dụng, cho vay. Ngoài ra, eKYC cũng được sử dụng tại các điểm giao dịch ATM như mô hình mà TPBank đã triển khai. Điều này đã giúp tăng tính trải nghiệm và tiện lợi cho khách hàng khi thời gian định danh và giao dịch được rút ngắn chỉ còn vài phút, thay vì hàng giờ như trước.

Sau vài tháng thí điểm eKYC, các ngân hàng cũng đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Hàng chục ngàn tài khoản thanh toán mới đã được mở bằng phương pháp eKYC, đặc biệt có những ngân hàng thu hút gần 30.000 tài khoản mở mới chỉ trong tháng đầu tiên triển khai.

Ngoài ra, tỷ lệ thực hiện các giao dịch định danh khách hàng điện tử trên nền tảng ngân hàng số (app, trang web) cũng không ngừng tăng lên, cho thấy tính hiệu quả của việc triển khai eKYC đối với các dịch vụ giao dịch trực tuyến và sự chuyển đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng của khách hàng tại Việt Nam.

Hiện tại, đối với quy trình đăng ký mở tài khoản thanh toán lần đầu, khách hàng cần có số điện thoại, e-mail, chứng minh nhân dân. Khi truy cập vào ứng dụng di động hoặc trang web của ngân hàng, khách hàng phải nhập số điện thoại (có thể đã đăng ký chính chủ hoặc không), mã xác nhận, chọn loại giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân), sau đó chụp ảnh hai mặt của giấy tờ. Hệ thống tự phân tích và trích xuất thông tin trên giấy tờ.

Để xác định khách hàng thật, hệ thống sẽ thu thập thông tin về sinh trắc học để so khớp thông tin, hình ảnh. Khách hàng phải chụp ảnh hoặc thực hiện các cử chỉ, cử động theo thời gian thực như xoay các góc gương mặt trước camera, quay video trực tiếp hoặc gọi điện trực tuyến xác minh thông tin.

Sau khi so khớp ảnh được cung cấp trên giấy tờ với các thông tin sinh trắc học, nếu khớp đúng và các thông tin hợp lệ với chính sách của ngân hàng, tài khoản được phê duyệt và tiến hành giao dịch. Thách thức đặt ra đối với phương thức này là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giải phẫu thẩm mỹ làm giảm tính tin cậy đối với một số yếu tố sinh trắc học.

Về mặt công nghệ, một số ngân hàng tự xây dựng nền tảng riêng hoặc hợp tác với công ty cung ứng giải pháp công nghệ tài chính (FinTech). Theo thống kê của NHNN, số lượng công ty cung ứng giải pháp FinTech đã tăng rất nhanh, từ 50 công ty (năm 2016) lên 150 công ty (tháng 5-2020). Các công ty nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT đã đầu tư phát triển các giải pháp FinTech, trong đó FPT đã tung ra thị trường nhiều giải pháp tiên tiến (deep learning) trong đó có eKYC.

Các công nghệ đã bắt đầu được ứng dụng để xác thực khách hàng, bao gồm: máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận dạng ký tự quang học, công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face Recognition) và công nghệ nhận diện thực thể sống, công nghệ nhận diện khách hàng giả mạo, lừa đảo (Fraud detection).

Song song với đó, công nghệ gian lận cũng theo đó mà phát triển tạo nên một thách thức không nhỏ khi triển khai eKYC. Thực tiễn cho thấy, đã xuất hiện một số khách hàng dùng công nghệ gian lận tinh vi như công nghệ deepfake để bỏ qua bước kiểm tra thực thể sống. Do đó, để triển khai hiệu quả, ngân hàng và công ty cung ứng FinTech cần có nhiều bước thử nghiệm trước khi vận hành, xác định giới hạn rủi ro và có biện pháp dự phòng cần thiết.

Bên cạnh đó, dữ liệu phục vụ cho eKYC cũng là một bài toán khó đối với các ngân hàng. Cơ sở dữ liệu dân cư đầy đủ và chính thức vẫn chưa hình thành cũng như chưa có cơ chế pháp lý để ngân hàng tiếp cận cơ sở dữ liệu này. Đồng thời, tình trạng làm giả giấy tờ định danh cá nhân tại Việt Nam vẫn đang tồn tại phổ biến và ngày càng tinh vi với sự trợ giúp của công nghệ. Điều này làm cho việc đối chiếu thông tin và giấy tờ pháp lý mà khách hàng cung cấp qua ảnh chụp gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, một số ngân hàng tự làm dày cơ sở dữ liệu bằng cách chủ động kết nối với các nhà mạng viễn thông hay các tổ chức khác để thu thập thông tin khách hàng. Việc này lại đặt ra vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng, khi mà nhiều khách hàng không hề biết đến việc trao đổi thông tin giữa đơn vị viễn thông và ngân hàng.

Kỳ vọng về khung pháp lý

Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền đã có quy định mở đường cho việc triển khai eKYC bằng việc cho phép các ngân hàng được quyết định gặp mặt hoặc không gặp mặt khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Tuy nhiên, để triển khai eKYC an toàn và hiệu quả, một khung pháp lý chi tiết và cụ thể về quy trình và trách nhiệm là một đòi hỏi tất yếu.

Chúng tôi cho rằng, quy định hướng dẫn về eKYC cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, xác định lộ trình triển khai eKYC, từ thí điểm, thử nghiệm đến đại trà. eKYC nên được đưa vào cơ chế thử nghiệm trong một số dịch vụ ít rủi ro với những hạn mức về quy mô giao dịch để kiểm tra, cải tiến bằng những phản hồi của thị trường trước khi triển khai đại trà.

Thứ hai, bảo mật thông tin khách hàng, vì điều này ảnh hưởng đến niềm tin, sự an toàn của khách hàng và an ninh ngân hàng - yếu tố sống còn đối với ngân hàng. Quy định cần làm rõ được trách nhiệm pháp lý của ngân hàng nếu như dữ liệu bị tấn công hay sử dụng trái phép.

Thứ ba, quy định phạm vi quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân để vừa đảm bảo xác thực chính xác, vừa bảo mật thông tin dân cư. Đồng thời với đó là cơ chế liên thông dữ liệu phục vụ cho eKYC trong hệ thống ngân hàng nhằm tận dụng sức mạnh hệ thống, tiết kiệm chi phí, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Thứ tư, quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong kiểm soát, đánh giá việc đáp ứng điều kiện và chất lượng giải pháp eKYC của ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp FinTech. Song song với đó là trách nhiệm của ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp công nghệ đối với tính chính xác, sự cố, rủi ro và nghĩa vụ công bố thông tin trong quá trình triển khai eKYC, bao gồm cả những khiếm khuyết, lỗ hổng được phát hiện trong triển khai.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Xem thêm: lmth.yl-pahp-gnuhk-ueiht-noc-ihc-gnas-nas-ad-gnourt-iht-man-teiv-iat-ut-neid-gnah-hcahk-hnad-hnid/213803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Định danh khách hàng điện tử tại Việt Nam: Thị trường đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu khung pháp lý”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools