“Tôi có niềm tin vững chắc “nhỏ là đẹp” - mỗi người bán riêng lẻ có thể nhỏ nhưng tựu chung lại họ đều lớn và có thể trở nên vĩ đại với sự trao quyền từ công nghệ”, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Datamart Việt Nam – Bùi Hải Nam chia sẻ sau khi tham gia khóa học eFounders do UNCTAD và Trường Kinh doanh Alibaba tổ chức.
- Theo ông, lợi thế của việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử thay vì thương mại truyền thống kể từ khi đại dịch xảy ra là gì?
- Ông Bùi Hải Nam: Chúng tôi gọi các nền tảng là thương mại điện tử 2.0 vì chúng thực sự tiên tiến trong việc trao quyền cho các nhà bán lẻ và đưa trải nghiệm bán hàng lên một tầm cao mới. Người bán SME không cần phải lo lắng về các công việc nặng nhọc như tiếp thị, hậu cần, thanh toán hoặc thậm chí hoàn thành yêu cầu... để tập trung vào việc xây dựng sự khác biệt về giá trị của mình như tạo ra sản phẩm đúng, bán chạy và cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.
Trong giai đoạn đại dịch bùng phát, thương mại điện tử nổi bật hơn thương mại truyền thống với một số lợi thế đáng chú ý như việc bán hàng trên các nền tảng cực nhanh và dễ dàng, việc đăng tải sản phẩm chỉ sau 2-3 ngày. Thứ hai, các nền tảng có cơ sở người tiêu dùng khổng lồ với gần 40% tổng dân số Việt Nam và có các chiến dịch lớn nhằm đưa khách hàng đến cửa hàng trực tuyến của người bán. Thứ ba, cơ sở hạ tầng của nền tảng giúp người bán dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động để thích ứng với sự gia tăng nhu cầu mà không cần đầu tư thêm. Và cuối cùng, mọi thứ đều diễn ra trực tuyến, rất ít tác động từ sự giãn cách xã hội.
- Là một startup khởi nghiệp về công nghệ và dữ liệu cho thương mại điện tử, ông rút ra được kinh nghiệm gì từ “gã khổng lồ” như Alibaba? Những bài học sau khi tham dự khóa học eFF đã giúp ích gì cho Datamart?
- Ông Bùi Hải Nam: Datamart được thành lập sau chuyến đi đầu tiên của tôi đến thăm Alibaba 4 năm trước và được truyền cảm hứng từ cách Alibaba sử dụng công nghệ và dữ liệu để biến đổi toàn bộ ngành bán lẻ. Tôi hiểu rằng công nghệ và dữ liệu là cách phù hợp để trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đi trước các doanh nghiệp truyền thống. Cụ thể, PowerSell đã trao quyền cho những người bán thương mại điện tử nhỏ phát triển thông minh hơn và nhanh hơn với các phân tích và tự động hóa cấp doanh nghiệp với chi phí tương đương với một tách cà phê.
Sau khóa học eFF và tìm hiểu về hệ sinh thái Alibaba, tôi có niềm tin vững chắc “nhỏ là đẹp” - mỗi người bán riêng lẻ có thể nhỏ nhưng tựu chung lại họ đều lớn và có thể trở nên vĩ đại với sự trao quyền từ công nghệ. May mắn là PowerSell được đón nhận nồng nhiệt và sự tham gia từ các thị trường Đông Nam Á đã tăng từ 15% lên 80% chỉ trong 4 tháng.
- Datamart đã hoạt động như thế nào trong nền kinh tế có nhiều biến động vừa qua? Ông có thể chia sẻ những thách thức mà công ty đang phải đối mặt và cách giải quyết chúng thế nào?
- Ông Bùi Hải Nam: Chúng tôi đã may mắn vượt qua đại dịch đợt đầu và thành công với doanh thu đạt đỉnh cao mới trong 3 tháng qua. Như bất kỳ công ty khởi nghiệp công nghệ nào khi đối mặt với tình huống như thế này, thách thức lớn nhất đó là tối ưu hóa dòng tiền và chi phí nhân sự. Nhiều công ty đã chọn giải pháp cho thôi việc hoặc giảm lương, nhưng chúng tôi đã chọn cắt giảm gần như tất cả các chi phí hoạt động trừ nhân sự và tiền lương. Với Datamart nhân sự là tài sản lớn nhất của công ty. Vì vậy, chúng tôi quyết định tăng mục tiêu doanh thu với kế hoạch ra mắt tích cực trong khu vực.
- Được biết, Datamart đang tận dụng kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế của Alibaba để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam. Đánh giá của ông về tiềm năng của thương mại điện tử và kế hoạch khai phá thị trường này thế nào?
- Ông Bùi Hải Nam: Đúng vậy, tôi rất ngạc nhiên với cách thương mại điện tử và Alibaba đã chuyển đổi nền kinh tế nông thôn Trung Quốc trong khi đây là thị trường tiềm năng và phần lớn chưa được khai thác ở Việt Nam. Trên thực tế, có sự thâm nhập gia tăng đáng kể của thương mại điện tử ở khu vực nông thôn trong giai đoạn xã hội giãn cách.
Dự báo kinh tế nông thôn 5 năm tới sẽ tiếp tục tăng từ 40% lên 60% tổng thương mại điện tử cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, thanh toán di động cho khách hàng thông qua ngân hàng và sự phát triển cửa hàng tạp hóa điện tử sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng mới trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Những gì tôi thấy và học được từ eFF là thương mại điện tử có thể thay đổi và làm cho cuộc sống ở các vùng nông thôn tốt hơn. Tôi cũng mong muốn sự thay đổi này diễn ra ở Việt Nam. Kế hoạch cá nhân của tôi chính là cam kết với chương trình eFF năm ngoái. Kế hoạch kinh doanh mới sẽ được bắt đầu để khám phá thị trường này vào năm tới sau khi PowerSell sẵn sàng trở thành bệ phóng.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Xem thêm: odl.003738-gnaht-4-gnort-ihc-08-nel-51-ut-gnourt-gnat-ed-ol-gnohk-ag-coh/et-hnik/nv.gnodoal