Ngoài ra, chính quyền Washington cũng nhắm mục tiêu đến WeChat - ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc có tới hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ.
Bộ Thương Mại Mỹ mới đây đã ban hành lệnh cấm 2 ứng dụng này. Hiện tại, cơ quan này đã ngừng việc yêu cầu Apple và Google xóa phiên bản tiếng Trung của TikTok và WeChat khỏi các kho ứng dụng tại Trung Quốc.
Wilbur Ross – Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, cho biết về động thái này: "Theo chỉ đạo của tổng thống, chúng tôi đã có những hành động quan trọng để ngăn Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ theo cách độc hại, đồng thời thúc đẩy các giá trị, chuẩn mực dựa trên quy tắc dân chủ và thực thi các luật, quy định của quốc gia chúng tôi."
Việc xóa bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng của Mỹ diễn ra ngay trong thời điểm Oracle và ByteDance – công ty mẹ của TikTok, tiếp tục đàm phán với chính quyền tổng thống Trump về hướng giải quyết các mối lo ngại của họ với ứng dụng video này.
Tuần trước, Oracle và ByteDance đã đệ trình một đề xuất liên quan đến hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của TikTok, với việc tách thành một công ty riêng biệt tại Mỹ có ban lãnh đạo là người Mỹ và ban bảo mật do một người có thông tin về an ninh chính phủ Mỹ đứng đầu. Ở thời gian đầu, công ty sẽ do ByteDance sở hữu phần lớn cổ phần nhưng sẽ niêm yết tại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump đã bày tỏ thái độ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục sở hữu ứng dụng này, trong khi 1 số thượng nghị sĩ Mỹ phản ánh rằng thỏa thuận này sẽ cho phép ByteDance quyền kiểm soát thuật toán có thể chọn ra các video hiển thị một cách phù hợp cho mỗi người dùng.
Việc loại bỏ TikTok và WeChat khỏi các kho ứng dụng của Mỹ được thực hiện theo 2 sắc lệnh được ông Trump đưa ra hồi tháng trước. Trong đó, Washington cho biết các công ty Mỹ sẽ bị cấm làm ăn với những ứng dụng này kể từ ngày 20/9. Sau đó, ông Trump cũng ban hành sắc lệnh thứ 3, yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ với hạn chót là ngày 12/11.
Một nguồn tin thân cận cho biết, người dùng vẫn có thể giữ các ứng dụng trên điện thoại ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, WeChat sẽ nhanh chóng không sử dụng được vì các bản cập nhật sẽ không còn trong kho ứng dụng. Ngoài ra, những người có ứng dụng TikTok trên điện thoại cũng có thể tiếp tục sử dụng, nhưng trải nghiệm sẽ kém dần trong 2 tháng tới, trừ khi Tổng thống Trump chấp nhận thỏa thuận.
Trận chiến với TikTok là một ví dụ mới nhất về lập trường cứng rắn hơn mà ông Trump đưa ra nhằm đối đầu với Trung Quốc trong những tháng gần đây. Một số ý kiến phê bình đặt câu hỏi tại sao ông Trump lại nhắm mục tiêu vào một ứng dụng như TikTok – phần lớn được thanh thiếu niên sử dụng, nhưng các chuyên gia cho rằng dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được có thể là mối đe dọa đến an ninh Mỹ.
James Lewis – chuyên gia mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: "Big data là cốt lõi của hoạt động tình báo hiện này. Đây là một chiến dịch gián điệp tinh vi nhất nhằm chống lại Mỹ kể từ thời Tổng thống Reagan. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến gián điệp căng thẳng với Trung Quốc."
Tháng trước, ông Trump cho biết TikTok gây ra mối đe dọa an ninh bởi "có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp các doanh nghiệp."
Tuy nhiên, Evan Medeiros – giáo sư tại Đại học Georgetown, cho biết chính quyền Trump chưa bao giờ nêu rõ lý do an ninh quốc gia khi cấm TikTok. Họ chỉ đơn giản nói rằng việc thu thập dữ liệu của người Mỹ là rủi ro an ninh quốc gia nhưng không đưa ra bằng chứng." Ông nói rằng có nhiều mối lo ngại chính đáng về thương mại công nghệ với Trung Quốc nhưng các quan chức Mỹ đã để nỗi lo và thái độ chế ngự chính họ."
Tham khảo Financial Times