Trong ngày, ông Krach có cuộc gặp với các lãnh đạo về kinh tế và ngoại giao Đài Loan bàn công tác chuẩn bị tổ chức cuộc đối thoại kinh tế và thương mại Mỹ - Đài mà trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell thông báo cuối tháng 8. Hôm nay (19-9), dự kiến ông Krach sẽ tham dự lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Đài Loan Lê Đăng Huy.
Đây là lần thứ hai một phái đoàn cấp cao Mỹ đến Đài Loan chỉ trong hai tháng. Tháng 8, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ Alex Azar thăm lãnh thổ này trong bốn ngày.
Trước khi phái đoàn ông Krach đến Đài Loan, tại New York (Mỹ), Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft có buổi ăn trưa với đại diện Đài Loan tại LHQ - Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc James K.J. Lee. Đây là lần đầu tiên một quan chức hàng đầu Đài Loan gặp một đại sứ Mỹ tại LHQ kể từ năm 1971, khi Trung Quốc (TQ) thay ghế của Đài Loan tại LHQ. Bà Craft gọi đây là cuộc gặp lịch sử và là một bước nữa trong chiến dịch tăng cường quan hệ với Đài Loan của chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Ngày 16-9, truyền thông đưa tin Mỹ có kế hoạch bán bảy hệ thống vũ khí quan trọng sang Đài Loan.
Việc Mỹ và Đài Loan năng tiếp xúc cùng các diễn biến ấm lên trong quan hệ hai bên dĩ nhiên không làm TQ ngồi yên, đặc biệt các động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang xấu nguy hiểm.
Ngày 17-9, Bộ Ngoại giao TQ lên án chuyến thăm của ông Krach và phái đoàn Mỹ đi ngược với chính sách một TQ cũng như vi phạm ba tuyên bố chung Mỹ - Trung, đồng thời cảnh cáo sẽ trả đũa.
Ngày 18-9, Bộ Quốc phòng TQ thông báo tổ chức tập trận ở eo biển Đài Loan - một “hành động hợp pháp và cần thiết” đáp trả sự ấm lên của quan hệ Mỹ - Đài. Đây là đợt tập trận mới nhất trong một chuỗi đợt tập trận TQ tiến hành quanh Đài Loan trong vài tuần qua. Trước khi ông Krach đến Đài Loan một ngày, TQ cho hai máy bay chống ngầm Y-8 bay vào vùng nhận diện phòng không tây nam của Đài Loan, cơ quan phòng vệ lãnh thổ này xác nhận.
Liệu Mỹ có đi xa hơn về vấn đề Đài Loan? Nhiều nhà phân tích tin rằng Mỹ có đủ thận trọng trong các bước đi tiếp theo với lãnh thổ này để không làm quan hệ với TQ xấu thêm đến mức không thể kiểm soát được. Một trong những dấu hiệu đó, theo các nhà phân tích là việc trợ lý Ngoại trưởng Stilwell kiềm chế không nói đến khả năng Mỹ sẽ xúc tiến thương lượng về một hiệp định thương mại song phương với Đài Loan.
Một điểm khác, theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman tại tổ chức phi lợi nhuận Rand Corp về chính sách toàn cầu (trụ sở tại Mỹ), Mỹ có vẻ vẫn duy trì sự thận trọng trong quan điểm của mình với Đài Loan. Nếu Mỹ tuyên bố quan điểm chính thức công nhận Đài Loan độc lập khỏi TQ thì đây sẽ là bước đi vượt giới hạn đỏ và nhất định TQ sẽ có phản ứng quân sự mạnh.
Theo nhà phân tích Grossman, nếu Mỹ một ngày nào đó đưa ngoại trưởng hay bộ trưởng quốc phòng sang Đài Bắc, hay tìm kiếm liên minh quân sự chính thức với Đài Loan hay đơn phương công nhận lãnh thổ này là một quốc gia độc lập thì xung đột vũ trang có thể nổ ra giữa Mỹ và TQ, một hậu quả Đài Loan không hề mong muốn.