Sau tôm, cà phê, chanh leo, có thêm 20.000 trái dừa vào thị trường Anh, 12 tấn bưởi vào thị trường Đức và 3 tấn thanh long đi đường máy bay vào thị trường Hà Lan tiếp tục lên đường xuất đi châu Âu với mức thuế 0%. Tổng giá trị lô hàng lần này khoảng 75.000 USD.
Ông Lê Quốc Doanh (bìa phải), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiểm tra lô hàng trái cây đầu tiên chuẩn bị sang châu Âu - Ảnh: Quốc Thái |
Tại buổi lễ công bố lô hàng trái cây đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) tại Bến Tre ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, EVFTA có hiệu lực đem lại cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và trái cây của Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, 94% trong số 540 dòng thuế trái cây, rau quả từ Việt Nam vào thị trường EU đã về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi đây là thị trường rất triển vọng với dân số lớn và thu nhập cao, nông sản Việt Nam và châu Âu không có sự cạnh tranh mà bổ trợ nhau.
Trái cây là nông sản chủ lực của Việt Nam và là ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đến nay ĐBSCL chiếm 34% diện tích và 45% sản lượng trái cây toàn quốc. Đã có trên 40 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới.
Đi đôi với việc giảm thuế quan, châu Âu sẽ đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng. Đại diện Bộ Nông nghiệp nhận định, EVFTA sẽ giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu trái cây Việt Nam chuẩn hoá lại quy định để có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của châu Âu. Khi đáp ứng được các điều kiện, xây dựng được thương hiệu… chúng ta tận dụng mọi cơ hội để mọi nông sản Việt Nam đặc biệt là trái cây đi được toàn bộ 27 nước EU.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho hay, những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sẽ không hưởng lợi trực tiếp việc thuế xuất về 0% từ EVFTA. Các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ được hưởng lợi trực tiếp bởi thay vì trước đây thuế xuất khi nhập hàng Việt Nam vào châu Âu là vài phần trăm, từ đó làm giá bán sản phẩm tại thị trường châu Âu cao lên.
"Khi thuế về 0%, doanh nghiệp nhập khẩu có lợi nhuận nhiều hơn nên sẽ ưu tiên lấy hàng của Việt Nam, khi đó các nhà xuất khẩu Việt Nam có cơ hội xuất hàng được nhiều. Với lợi thế này, đại diện Vina T&T kỳ vọng, từ đây đến cuối năm tăng trưởng của công ty có thể cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ", ông Tùng cho biết.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp, nhiều lợi thế trên thị trường rộng lớn, tiềm năng EU khi có EVFTA nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, mà phải xây dựng những nhóm nông sản chủ lực, có chỉ dẫn địa lý, vùng trồng để làm lợi thế cạnh tranh. Lấy ví dụ như chanh leo của Việt Nam đang đủ sức cạnh tranh với Ecuador, Peru để chi phối thị trường chanh leo toàn cầu, hay bưởi da xanh của BĐSCL cũng có thể cạnh tranh với Thái Lan…
Ông Jacques Poulain, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) bày tỏ, để đạt được mục đích như kỳ vọng thì ngành nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực và nhanh chóng đạt được các tiêu chuẩn của châu Âu trong bối cảnh thuốc bảo vệ thực vật vẫn được dùng rất phổ biến tại Việt Nam. Nếu giải quyết được các vấn đề sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, Việt Nam sẽ có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu trái cây và nông sản vào EU thời gian tới.
Quốc Thái