Làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus với chiến thắng được công bố thuộc về Tổng thống Alexander Lukashenko đã bước sang tuần thứ sáu và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tuần này Nga có một loạt động thái nhấn mạnh và củng cố sự ủng hộ của mình với ông Lukashenko. Ngày 14-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp ông Lukashenko với lời hứa sẽ cho chính phủ ông này vay 1,5 tỉ USD để giải quyết khủng hoảng. Ông Putin cũng ủng hộ sáng kiến của ông Lukashenko cải cách hiến pháp Belarus - giải pháp phe đối lập không ủng hộ.
Nga tuyên chiến với Mỹ về Belarus
Nga cũng đã bắt đầu có động thái tuyên chiến với Mỹ về Belarus. Theo hãng tin Reuters, ngày 16-9, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cáo buộc Mỹ đã và đang tích cực xúi giục biểu tình, bạo loạn ở Belarus nhằm lật đổ Tổng thống Lukashenko. Theo ông Naryshkin, Mỹ đã tài trợ các tổ chức và cá nhân chống chính phủ của ông Lukashenko, trong đó có cả nhân vật đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya.
Theo trang tin Belta (Belarus), trong cuộc điện đàm với Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan ngày 17-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cảnh cáo nước này không chấp nhận việc bên ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ của Belarus.
Theo chủ tịch tổ chức nghiên cứu chính sách Valdai Discussion Club thân chính phủ Nga - ông Andrei Bystritsky, Mỹ đã thao túng tình hình ở Minsk từ nhiều tháng trước. Hiện Mỹ đang nỗ lực khai thác diễn biến ở Belarus, đặc biệt khai thác sự đối đầu giữa chính quyền và phe đối lập để phục vụ mục đích của mình.
Động thái mạnh nhất của Mỹ về tình hình Belarus tới giờ theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nói với báo chí tuần trước là Mỹ sẽ phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Belarus nhằm tăng áp lực lên ông Lukashenko và thúc đẩy bầu cử mới ở nước này. Trước đó, trong chuyến sang Nga cuối tháng 8, ông Biegun chỉ tuyên bố Mỹ cùng với EU chỉ trích cuộc bầu cử tổng thống Belarus không công bằng và đề nghị ông Lukashenko đối thoại với phe đối lập.
Theo nhận định của ông Bystritsky thì từ những gì ông Biegun thể hiện trong chuyến sang Nga có thể thấy Mỹ không có quan điểm chắc chắn về các diễn biến ở Belarus và chính phủ Tổng thống Donald Trump đã chọn sử dụng chiến thuật trì hoãn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) đón tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun (phải) sang thăm Moscow (Nga) ngày 25-8. Ảnh: REUTERS
Ý Mỹ thế nào?
Báo Star-Revue (Mỹ) nhận định những gì đang diễn ra ở Belarus phản ánh xung đột giữa hai lực lượng, một thân Nga và một thân phương Tây. Theo Star-Revue, các nhân vật được chú ý nhiều từ khủng hoảng Belarus hiện tại lại không phải là ông Lukashenko hay nhân vật đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, mà là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen nhưng không thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể thấy tới thời điểm này ông Trump vẫn chưa có động thái mạnh với vấn đề Belarus.
Theo báo Philadelphia Inquirer, có thể lý do để ông Trump không có phản ứng mạnh là vì các lý do địa chính trị. Một thực tế là EU và Mỹ đang có một sự ngầm hiểu về vị trí dẫn đầu quyền lực ở phương Tây. Vì EU quyết định theo đuổi chiến lược địa chính trị của riêng mình ở Đông Âu, Mỹ dần thu bớt ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Do đó, bên đang trực tiếp đối phó với Nga về các vấn đề không chỉ của Belarus mà cả Ukraine và các nước vùng Baltic hiện là EU, chứ không phải Mỹ.
Tuy nhiên, theo Star-Revue, đây có thể không phải là lý do lớn nhất giải thích tại sao ông Trump không ra tay mạnh với khủng hoảng Belarus, chẳng hạn với các biện pháp như trừng phạt.
Dính vào một cuộc khủng hoảng chưa biết hồi kết ở Đông Âu không có lợi cho ông Trump khi bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Ông Trump càng phải thận trọng hơn khi Belarus lại là nước sát Nga và rủi ro khủng hoảng biến thành chiến tranh rất cao nếu có diễn biến nghiêm trọng xảy ra, chẳng hạn như Nga đưa quân sang. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Mỹ sẽ khiến EU không hài lòng và rồi sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc tế, làm tổn hại đến tất cả mối quan hệ đối ngoại mà Mỹ đã có ở bờ bên kia Đại Tây Dương.
Có thể bên trong Belarus cũng hiểu được điều này khi cho đến thời điểm này dù biểu tình đã diễn ra gần một tháng rưỡi vẫn không có nhân vật Belarus nào lên tiếng đề nghị Mỹ giúp đỡ như điều đã xảy ra ở Hong Kong.
Có thể nói Mỹ đang đứng trước chọn lựa khó. Nếu bỏ qua yếu tố Belarus gần Nga về địa lý thì việc Mỹ can thiệp mạnh vào Minsk sẽ làm mất lòng các đồng minh nhưng nếu không làm gì cả thì sẽ khiến Mỹ mất uy thế trên trường chính trị quốc tế.
Vì thế, bài toán khó với Mỹ lúc này là phải thể hiện sao cho các nước thấy Mỹ vẫn là một lãnh đạo toàn cầu nhưng vẫn tránh được các cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo trang tin Euronews, ngày 17-9, EU thông qua một nghị quyết trừng phạt ông Lukashenko. Điểm lưu ý là nghị quyết này không có giá trị ràng buộc. EU đã tuyên bố về khả năng trừng phạt Belarus từ ba tuần trước với cáo buộc nước này gian lận bầu cử và lạm dụng nhân quyền. Tuy nhiên, theo thông tin Reuters thu thập được ngày 17-9, kế hoạch trừng phạt Belarus của EU đã rơi vào bế tắc vì không thể có đủ sự thống nhất trong khối, mà nước phản đối là thành viên nhỏ nhất của EU - Cộng hòa Cyprus. Cộng hòa Cyprus không đồng ý trừng phạt Belarus trừ khi EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan căng thẳng ở đông Địa Trung Hải. Cùng ngày 17-9, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống Belarus ngày 9-8 đã được thông báo chính thức với chiến thắng thuộc về ông Lukashenko. Theo EP, ông Lukashenko không còn được công nhận là tổng thống Belarus vì nhiệm kỳ của ông đã hết hạn. EP cũng kêu gọi trừng phạt Minsk. Phản ứng trước động thái này, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hy vọng “các đối tác của chúng tôi (ở EU) sẽ phản đối hành động tùy tiện” này. |