TAND tỉnh Thái Bình hôm 18/9 đã đưa ra phán quyết đối với Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ Đường Nhuệ) và 4 bị cáo là cán bộ thuộc Sở Tư pháp; Sở TN&MT tỉnh này về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".
Đường Nhuệ nghe lời vợ như thế nào?
Đến tòa với vai trò người làm chứng, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) cho hay, ngày 20/12/2019 có đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của tỉnh sau khi được vợ gọi điện. Đến nơi, Đường gặp bị cáo Hiệp, cả hai có chào hỏi nhau.
Khi vợ yêu cầu, Đường đi tìm anh Phạm Thành Đạt (người trúng đấu giá lô đất số 9) và đưa quay trở lại Trung tâm đấu giá tài sản. Ông ta khẳng định không đánh hay dùng vũ lực mà chỉ đàm phán, thương lượng với anh Đạt nhường lại quyền trúng đấu giá lô đất, đổi lại vợ chồng Đường cho anh Đạt 20 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX có nhìn thấy vợ hắt cốc nước vào mặt anh Đạt không? Đường bảo "có", ngoài ra, Đường thấy Phạm Xuân Hòa, Đào Văn Bằng, Nguyễn Đức Huy "động chân, động tay" với Đạt, đến bây giờ nghĩ lại chuyện xảy ra, Đường không thể giải thích tại sao nhóm "đàn em" của mình làm như vây.
"Anh có biết việc thuyết phục người trúng đấu giá nhường lại là giúp người có chức vụ quyền hạn thay đổi kết quả đấu giá không?", một thành viên trong HĐXX chất vấn, Đường đáp lời: "Tôi không biết, khi người nhà gọi tôi, chỉ có một mục đích duy nhất là thay đổi kết quả đấu giá đó".
Đào Văn Bằng (có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng) cho biết, không có ai xui khiến đánh anh Đạt, khi Bằng thấy Phạm Xuân Hòa đánh thì cũng lao vào đánh. "Tôi không biết đánh anh Đạt là giúp cho người có chức vụ quyền hạn thay đổi kết quả đấu giá, vì tôi không biết khi đó diễn ra phiên đấu giá", Bằng khai.
Còn Phạm Xuân Hòa thừa nhận, thấy bị cáo Nguyễn Thị Dương hắt nước vào mặt anh Đạt nên lao vào dùng tay gạt anh Đạt phòng không cho Đạt đánh lại Dương.
Bị cáo Vũ Gia Thanh được xem là có hành vi, mức độ phạm tội nghiêm trọng nhất trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử.
Vợ Đường Nhuệ so đo mức án với "cán bộ"
Tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Dương nêu quan điểm, cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình quy kết tội danh thân chủ của ông như vậy là không phù hợp. Cụ thể, luật sư đã so sánh vai trò của Dương và Hiệp, rồi cho rằng, VKS xếp mức độ phạm tội của Dương trong vụ án là quá nặng.
Căn cứ vào hành vi của Dương, luật sư đã trích dẫn rất nhiều điều luật để chứng minh thân chủ của mình không xứng đáng chịu án phạt tù như ý kiến của VKS, cuối cùng luật sư đề nghị HĐXX chỉ nên phạt hành chính Dương.
Sau lời bào chữa của luật sư, Nguyễn Thị Dương đứng lên phát biểu bày tỏ thái độ đồng quan điểm. Dương bức xúc, nói giọng hơi gắt rằng, bản thân không phải là "cán bộ, công chức", nên không thể kết tội và đề nghị bản án ngang hàng với vị Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá.
"Bị cáo cũng mong HĐXX xét giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo, bởi vì ở đây có bị cáo Thúy và Dũng là cán bộ, công chức được hưởng án treo thì các bị cáo khác cũng phải được như vậy", Dương nói.
Đối đáp lại lời luật sư, người giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, xét về tính chất mức độ phạm tội thì bị cáo Vũ Gia Thành và Phạm Văn Hiệp lần lượt giữ vai trò đứng thứ nhất và thứ hai trong vụ án, nên không thể xem xét để cho hưởng án treo.
An ninh bảo vệ phiên tòa.
Đối với bị cáo Trịnh Thị Minh Thúy và Hà Văn Dũng, giữ vai trò và mức độ vi phạm đứng sau 3 bị cáo Thành, Hiệp, Dương, cả hai cũng phạm tội lần đầu, gia đình có công nên cần cho hưởng bản án nhẹ hơn.
Liên quan đến việc luật sư đã so sánh tội danh của Dương với Hiệp, VKS cho rằng Dương đã có hành vi gây sức ép với bị hại, là người tác động để thay đổi bản chất cuộc đấu giá nên hành vi của bị cáo giữ một vai trò rất quan trọng.
Còn về ý kiến luật sư rằng hành vi của Dương chỉ đáng xử lý hành chính, VKS khẳng định, mọi việc đều xuất phát từ Dương, chính Dương đã khởi nguồn nên phải xử lý án tù, phạt hành chính Dương là không phù hợp.
"Vụ án này trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của nhà nước, làm giảm uy tín của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình", kiểm sát viên nói.
Sau một ngày xét xử, cuối ngày 18/9 TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt Vũ Gia Thành 2 năm tù; Phạm Văn Hiệp 1 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Dương 1 năm 6 tháng tù; Trịnh Thị Minh Thúy 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo; Hà Văn Dũng 1 năm tù cho hưởng án treo.
Thời hạn áp dụng hình phạt tính từ ngày bị tạm giam. Ngoài ra, tòa áp dụng hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo Hiệp, Thành, Thúy, Dũng đảm nhiệm chức vụ trong 2 năm sau khi chấp hành xong bản án.
Theo truy tố, cuối tháng 10/2019, UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định về việc cho phép đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 10 lô đất tại khu quy hoạch dân cư thuộc địa phận phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất kỹ thuật tài nguyên, thuộc Sở TN&MT tỉnh tổ chức đấu giá.
Ngày 29/11/2019, Trung tâm đấu giá đưa 8 lô đất từ lô số 1 đến lô số 8 ra đấu giá, còn lại 2 lô số 9 và số 10 chỉ có một đơn đăng ký tham gia nên không đủ điều kiện đưa ra đấu giá.
Đến ngày 2/12/2019, Trung tâm quỹ đất và Trung tâm đâu giá thống nhất đưa lô số 9 và số 10 ra đấu giá tiếp.
Đối với phiên đấu giá lô đất số 9 diễn ra ngày 20/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, người trúng đấu giá là anh Vũ Thành Đạt, 25 tuổi.
Tuy nhiên, sau đó do bị vợ chồng Nguyễn Thị Dương cho đàn em đánh, đe dọa khiến anh Đạt phải nhượng lại việc trúng đấu giá cho người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hạnh (người quen của Dương).
Cáo trạng xác định, bị can Vũ Gia Thành được giao tổ chức, các bị can Trịnh Thị Minh Thúy và Hà Văn Dũng được giao giám sát cuộc đấu giá, vì nể nang, bị can Phạm Văn Hiệp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Luật đấu giá tài sản, thống nhất thay đổi người trúng đấu giá lô đất số 9 từ anh Vũ Thành Đạt sang cho bà Nguyễn Thị Hạnh.
Hành vi này gây thiệt hại cho người trúng đấu giá hợp pháp là anh Vũ Thành Đạt.