Các chuyên gia cho rằng nếu không cho quyền tự quyết về tỉ lệ vốn ngoại, các ngân hàng sẽ gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược - Ảnh: Q.ĐỊNH
TS TRẦN DU LỊCH khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất không cho phép các công ty đại chúng được quyền tự quyết định tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như quy định hiện hành, được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đưa vào dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều luật tại Luật chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ năm 2021). Ông Trần Du lịch nói:
- Trước khi đưa vào áp dụng quy định mới này, cần đánh giá thực tế sẽ tác động thế nào đến hoạt động của những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là ngân hàng (NH). Cũng cần làm rõ quy định này sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút những nhà đầu tư chiến lược làm ăn lâu dài hay nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
* Các quy định hiện hành chỉ đưa ra các tỉ lệ tối đa mà nhà đầu tư ngoại có thể tham gia, chứ không quy định tỉ lệ này là cố định. Nếu không được quyền tự quyết, các NH sẽ gặp khó khăn gì?
- Tôi vẫn ủng hộ việc nới lỏng cho nhà đầu tư ngoại tham gia để nâng cao quản trị điều hành, minh bạch và giúp cho các NH trong nước lớn mạnh hơn, trình độ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn phải giữ được một số NH "thuần Việt" tầm cỡ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh NH toàn cầu hiện nay.
Trong khi đó nếu được thông qua và áp dụng, quy định này sẽ tác động rất lớn đến tất cả các công ty đại chúng, công ty cổ phần và đặc biệt là các NH cổ phần. Và việc đưa ra những quy định có thể gây bất ổn với các NH, theo tôi, đó không phải là cái nhìn lâu dài, cần xem xét thận trọng bởi lĩnh vực tài chính - NH rất nhạy cảm.
TS TRẦN DU LỊCH
* Với những nhà đầu tư lớn, nắm khoảng 70 - 80% trong lĩnh vực NH thì vấn đề này ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
- Theo Luật doanh nghiệp phải nắm giữ 65% trở lên mới kiểm soát được doanh nghiệp. Tại một số quốc gia, nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn cổ phần tại những doanh nghiệp mà nhà nước muốn giữ quyền kiểm soát, 35% còn lại được bán ra cho nhà đầu tư bên ngoài.
Trong khi đó với lĩnh vực NH vốn nhạy cảm, đã gọi là NH Việt Nam thì không thể mở toang cho nhà đầu tư ngoại mà phải giữ một tỉ lệ cần thiết. Nhà đầu tư ngoại chỉ nên được tham gia một tỉ lệ nhất định đủ để hấp dẫn thu hút vốn ngoại tham gia vào lĩnh vực này nhằm nâng cao trình độ của các NH trong nước.
Do đó theo tôi, chưa cần thiết phải thay đổi quy định hiện nay với lĩnh vực NH nếu không chứng minh được rằng nó gây cản trở đến sự phát triển, lớn mạnh của các NH. Với tôi, sự thay đổi sẽ gây bất ổn nhiều hơn.
* Theo dự thảo mới của Luật chứng khoán, nhiều điều của Luật tín dụng sẽ phải theo Luật chứng khoán, liệu có bất cập không khi Luật tín dụng lại chưa điều chỉnh?
- Phải có tính đồng bộ chứ không thể luật này "đá" luật kia. Điều này không thể tiếp tục tồn tại mà cần phải điều chỉnh cho phù hợp, nhất là trong lĩnh vực tài chính - NH rất cần sự ổn định.
Ông Trần Kim Long (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM): Phải cẩn trọng với ngành ngân hàng
Ông Trần Kim Long
Quy định cho phép các doanh nghiệp tự quyết tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bởi đó là sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khiến thị trường chứng khoán VN trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư dài hạn.
Việc Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp quyết định tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới là quan điểm tiến bộ, phù hợp với những cam kết theo Hiệp ước WTO về giảm bớt những rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng cho các nhà đầu tư. Với việc bãi bỏ quy định này, một số ngành hấp dẫn tại VN như bán lẻ, ngành F&B, ngành chăm sóc sức khỏe... sẽ có cơ hội thu hút được thêm nguồn vốn nước ngoài.
Riêng với ngành NH vốn là ngành kinh doanh có điều kiện, thuộc lĩnh vực nhạy cảm, với tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại theo nghị định số 01/2014 là 30% vẫn được duy trì cho đến nay, trừ một số công ty công nghệ tài chính được đề xuất cho phép nâng tỉ lệ này lên 49%. Do đó theo tôi, việc cho phép các NH duy trì quyền tự quyết này là cần thiết. Với chiến lược và mức độ rủi ro khác nhau, mỗi NH sẽ ước tính lượng vốn cần thiết và xác định lộ trình tăng vốn phù hợp.
Vấn đề đáng bàn hiện nay là tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại với NH hiện nay chỉ ở mức 30% có hợp lý hay chưa. Theo tôi, tỉ lệ này quá thấp, không đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư chiến lược muốn có tiếng nói nhất định khi tham gia vào một NH nào đó. Tóm lại, tỉ lệ này mới chính là rào cản lớn đối với việc gọi vốn ngoại của các NH.
Do đó theo tôi, NH Nhà nước có thể xem xét nới tỉ lệ này theo từng nhóm NH, đặc biệt ưu tiên cho các NH đang trong quá trình chuyển đổi để đáp ứng các chuẩn mực theo hiệp ước Basel hoặc các NH đã xác định rõ đối tác chiến lược.
Dịch bệnh COVID-19 đã ngăn cản các ngân hàng tiếp cận khách hàng mới theo cách truyền thống, nhưng cũng là động lực cho sự thay đổi cấu trúc mới, và một cuộc đua giành thị phần mới của các ngân hàng với công nghệ số là nền tảng.
Xem thêm: mth.97824558091900202-gnah-nagn-ohc-no-tab-yag-gnud/nv.ertiout