Đó là chia sẻ của Hoàng Tùng, chuyên gia ẩm thực - nhà sáng lập Pizza Home, câu chuyện “chọn bạn mà chơi” trong khởi nghiệp.
Anh Hoàng Tùng đã khởi nghiệp nhiều lần. Dưới đây là câu chuyện của anh Hoàng Tùng cùng những bài học được rút ra từ sau cả những thất bại - thành công của bản thân mình.
Năm 2006 - 2007, anh Tùng cùng một số bạn bè mở thương hiệu ẩm thực Việt. Trước đó, anh có 4 năm làm trong ngành du lịch, có cơ hội đi khắp các vùng miền và chứng kiến sự phát triển (cũng như đóng cửa) của nhiều nhà hàng.
Lúc đó, anh và các cộng sự chọn mô hình nhắm vào khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Dựa trên quan hệ có sẵn, nhóm đã liên hệ với nhiều nhà điều hành tour nên nhà hàng ký được nhiều hợp đồng, mô hình chạy khá tốt.
Team gồm có 3 người sáng lập chính và một số thành viên góp vốn khác. Vì sợ gọi vốn lớn từ bên ngoài dễ dẫn đến mất quyền kiểm soát, nên nhóm quyết định gọi nhiều người, mỗi người một ít. Cuối cùng khi thành lập dự án, lượng cổ đông phình lên nhanh, 9 người.
Ban đầu mỗi người góp một việc, cùng nhau làm nên mô hình phát triển rất tốt. Tuy nhiên vấn đề phát sinh sau đó một năm, khi mỗi người nhìn về một hướng. Nhiều người mong muốn mở thêm nhà hàng thứ 2 vì đã mất công làm marketing, việc kết nối với công ty du lịch đã xong rồi, mở thêm là chạy bình thường thôi.
Có người lại bảo đem tiền ra chia, còn anh Tùng, do nhìn thấy tiềm năng thị trường đồ ăn nhanh nên anh đề nghị tham khảo và đi theo hướng mở chuỗi đồ ăn nhanh. Họp hành liên miên, cuối cùng không ai nghe ai, anh Tùng rời vị trí điều hành. Số vốn ban đầu đầu thu về hụt đi 60 triệu đồng.
Hình minh họa.
Những bài học để đời trong khởi nghiệp
Anh Hoàng Tùng đã rút ra nhiều bài học về khởi nghiệp sau nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường.
Thứ nhất, lắm thầy nhiều ma là có thật. Lắm cổ đông thì mỗi người một ý, người điều hành rất mệt mỏi.
Thứ hai, "Lắm thầy nhiều ma" là do mình. Mọi người vẫn hay nói rằng trong làm ăn không nên làm chung với nhiều người. Thực tế thì tùy. Nhiều hay ít không quan trọng, bằng việc ngay từ đầu chúng ta phải đặt ra luật chơi và mọi người đều phải tuân thủ luật chơi ấy. Có luật chơi thì “lắm thầy cơ mà sẽ không nhiều ma”.
Thứ ba, nên chọn người có tính cách tương đồng, tầm nhìn tương đồng nhưng kỹ năng khác biệt. Tính cách tương đồng giúp không va chạm. Tầm nhìn quyết định đi cùng nhau dài hay ngắn. Kỹ năng khác biệt giúp nhau bổ sung sức mạnh…
Thứ tư, khi đã chọn người dẫn đầu thì phải tôn trọng quyết định của người đó. Đã trao quyền thì đừng “lom dom”.
Thứ năm, cộng sự nên đi chơi, cà phê, ăn uống, tâm sự, nói chung là nói chuyện với nhau thật nhiều hơn. Khi khó khăn xảy đến sẽ dễ thông cảm cho nhau.
Thứ sáu, tuy rằng startup anh kể trên thất bại và lúc rời đi anh cũng không thực sự hạnh phúc. Tuy nhiên sau này những cộng sự, cổ đông vẫn ngồi lại với nhau nói chuyện thoải mái. Bởi quan trọng nhất là minh bạch tài chính, hoạt động để sau này còn nhiều cơ hội làm việc với nhau nữa. Dù không cùng tầm nhìn, nhưng nếu tôn trọng nhau thì vẫn có khả năng làm được. Còn nếu vấp phải lỗi về mặt thiếu minh bạch thì rất khó làm việc tiếp.
Thứ bảy, đừng hợp tác với người tham lam và không cam kết. Có thể kiểm tra bằng cách: Xem thời gian hẹn hò có “chuẩn chỉnh” không và xem khi ăn uống có chủ động rút tiền ra “đãi” hay chia sẻ cùng mọi người hay không?
Thứ tám, những team dù kinh doanh lỗ vẫn chơi với nhau thì sẽ có thể đi cùng nhau bền lâu.