Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Tham dự còn có đại diện các bộ ngành trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các sở ngành TP.HCM, chủ tịch UBND ba quận 2, 9, Thủ Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM…
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh các ý kiến đóng góp hôm nay và kết quả hội nghị là cơ sở quan trọng để TP hoàn chỉnh đề án để tiếp tục trình các cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Phong, về việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường, TP.HCM đã có thời gian thí điểm tổ chức thực hiện trong một thời gian khá dài - 7 năm. TP.HCM cũng là địa phương có số đơn vị thí điểm mô hình này lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, vào thời điểm thí điểm, cơ sở pháp lý còn chưa vững chắc nên chưa thể triển khai nhân rộng.
Kết quả, trong thời gian thí điểm cho thấy việc thực hiện quyền dân chủ của người dân vẫn đảm bảo, khắc phục được sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.
Song song đó, nâng cao hiệu lực hiệu quả, tinh giản được bộ máy mà không ảnh hưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
“Kết quả đó cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy không phụ thuộc quá nhiều vào việc có tổ chức HĐND cấp quận, phường hay không”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, để chuẩn bị các bước tiếp theo, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định kiện toàn ban soạn thảo, tổ biên tập, mời lãnh đạo các bộ ngành trung ương và cấp sở ngành TP tham gia góp ý, tiếp tục hoàn thiện.
Khu vực hình thành TP Thủ Đức trong tương lai - Ảnh: TỰ TRUNG
Đề cập việc TP.HCM lồng ghép việc đề xuất thành lập TP Thủ Đức vào đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP, ông Phong cho biết mục tiêu chính là nhằm phát huy mọi nguồn lực, trong đó kỳ vọng TP Thủ Đức đóng vai trò trung tâm trong liên kết. Đây cũng sẽ là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Ngoài ra, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ước tính TP Thủ Đức sau khi thành lập và phát huy vai trò, hiệu quả sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP.HCM và 7% GDP của cả nước.
“Rất mong các bộ ngành trung ương khuyến nghị cho TP.HCM con đường tốt nhất, ngắn nhất để TP phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước”, ông Phong đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn gợi ý các nội dung cần góp ý - Ảnh: TỰ TRUNG
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu quan điểm sẽ phối hợp chặt với TP và các bộ ngành để việc triển khai các bước đúng quy định, nhất là không làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của TP.
Ông Tuấn đề nghị các đại biểu góp ý phản biện, xoay quanh vai trò đại diện của HĐND, quyền hạn của UBND quận và phường khi không có HĐND thì sẽ như thế nào, chế độ công vụ, tổ chức bộ máy sẽ như thế nào để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đảm bảo hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính tại TP.HCM, giúp TP.HCM tiếp tục duy trì là đầu tàu kinh tế của cả nước.
TTO - Chiều 28-8, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các sở, ngành thực hiện kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM và thành lập TP Thủ Đức.