Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 18-9 cho biết họ sẽ loại bỏ các ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, bao gồm WeChat và TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ kể từ nửa đêm 20-9. Đây là một động thái leo thang đáng kể trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm vào hai ứng dụng phổ biến của Trung Quốc hiện đang được hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng, báoThe New York Times đưa tin.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết họ sẽ cấm TikTok và WeChat khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ kể từ đêm 20-9. Ảnh: AL DRAGO/THE NEW YORK TIMES
Trong một loạt động thái để "đóng băng" WeChat ở Mỹ, chính phủ cũng sẽ cấm các công ty Mỹ giao dịch với WeChat hoặc lưu trữ lưu lượng truy cập vào ứng dụng này.
Các hạn chế tương tự cũng sẽ có hiệu lực đối với TikTok vào ngày 12-11, trừ khi công ty có thể khiến chính quyền Mỹ tin rằng ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến này không gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance thuộc Trung Quốc, hiện đang đàm phán với công ty phát triển phầm mềm Oracle về một thỏa thuận có thể chuyển giao một số quyền kiểm soát cho nhà sản xuất phần mềm Mỹ. Bộ Thương mại cho biết các lệnh cấm có thể được dỡ bỏ nếu TikTok giải quyết được các lo ngại về an ninh quốc gia của chính quyền trước hạn chót tháng 11.
Các động thái mới này tuân theo một lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ban hành vào ngày 6-8, trong đó ông Trump lập luận rằng TikTok và WeChat thu thập dữ liệu từ người dùng Mỹ rồi chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok, một ứng dụng chia sẻ video, đã trở thành một nền tảng cực kỳ phổ biến ở Mỹ. Trong khi đó, WeChat lại là ứng dụng trò chuyện, một nền tảng thanh toán và một nguồn tin tức phổ biến ở Trung Quốc. Nó là một nguồn kết nối quan trọng cho cộng đồng người Hoa toàn cầu, nhưng cũng là hiểu là một kênh phục vụ cho việc tuyên truyền và giám sát của Trung Quốc.
Apple có nguy cơ bị ảnh hưởng sau lệnh cấm của Mỹ
Mặc dù chính phủ đang ra lệnh cấm các ứng dụng, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Apple và Google - những công ty sản xuất phần mềm hỗ trợ gần như tất cả các điện thoại thông minh trên thế giới xóa hai ứng dụng kể trên khỏi cửa hàng ứng dụng của họ. Hai công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt dân sự hoặc hình sự nếu không tuân thủ các quy định mới.
Sau lệnh cấm mới của Mỹ, công ty Apple có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu đồng ý thực hiện các hạn chế của chính quyền. Hiện nay, hầu hết tất cả các linh kiện sản phẩm của Apple đều được lắp ráp ở Trung Quốc và đây cũng là thị trường bán hàng lớn nhất của Apple sau Mỹ.
Apple và Google đã không trả lời yêu cầu bình luận. Trước đây, cả hai đều từng nói rằng họ tuân thủ luật pháp địa phương ở mỗi quốc gia mà họ phục vụ.
Các công ty công nghệ khác đã phản hồi thông báo này với lo ngại rằng nỗ lực này có thể khiến các quốc gia khác có hành động tương tự, gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Ông Adam Mosseri, giám đốc Instagram cho biết trên Twitter rằng lệnh cấm TikTok “sẽ khá tệ đối với Instagram, Facebook và internet nói chung”.
Ông Adam Segal, một chuyên gia an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết các công ty công nghệ đã nêu quan ngại về việc chính quyền tự ý chặn ứng dụng mà không có quy trình chính sách rõ ràng và cho rằng điều này đã vi phạm Tu chính án thứ nhất.
Ông Segal cho biết không hoàn toàn rõ ràng tại sao chính quyền lại chọn theo đuổi hai dịch vụ này của Trung Quốc mà không phải các dịch vụ tương tự khác.
“Đối với tôi, rất nhiều việc chỉ mang tính ngẫu hứng” - ông Segal nói.
Hai ứng dụng WeChat và Tik Tok đang được rất nhiều người Mỹ sử dụng. Ảnh: GETTY IMAGES
Động thái mới nhất này của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Internet toàn cầu, vốn từng hứa hẹn sẽ phá vỡ các biên giới chính trị và kết nối các công dân trên hành tinh, đang bị rạn nứt do chủ nghĩa dân tộc và nỗi lo an ninh.
Người dân ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, không thể sử dụng các sản phẩm phổ biến nhất trên thế giới, bao gồm Google, Facebook, YouTube và WhatsApp. Chẳng bao lâu nữa, người Mỹ sẽ không thể sử dụng WeChat và thậm chí TikTok.
Phát ngôn viên của TikTok, ông Josh Gartner tuyên bố rằng công ty rất thất vọng về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thách thức lệnh hành pháp bất công, được ban hành mà không có quy trình hợp lý và có nguy cơ tước đi của người dân Mỹ và các doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ một nền tảng quan trọng cho cả tiếng nói và sinh kế. Tencent Holdings, công ty sở hữu WeChat, gọi các quy tắc này là “đáng tiếc” và cho biết họ sẽ “tiếp tục thảo luận với chính phủ và các bên liên quan khác ở Mỹ về cách thức để đạt được một giải pháp lâu dài” - ông Josh Gartner nói.
Về phía công ty phát triển phầm mềm Oracle vẫn không trả lời yêu cầu bình luận của báo The New York Times.
WeChat và Tik Tok, ai bị thiệt hại nhiều hơn?
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business Network vào sáng 18-9, nói rằng lệnh cấm ban đầu sẽ có tác động lớn hơn nhiều đối với WeChat.
"Nó sẽ ngừng hoạt động ở Mỹ kể từ nửa đêm 20-9” - ông Ross nói.
Theo ông Ross, TikTok cũng sẽ phải đối mặt với một số thay đổi, nhưng vẫn sẽ được phép hoạt động cho đến ngày 12-11. Tại thời điểm đó, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm nếu không chứng minh cho chính phủ Mỹ thấy rằng nó hoàn toàn an toàn cho người dùng và an ninh quốc gia Mỹ.
“Đối với TikTok, thay đổi duy nhất hiện nay sẽ là việc người dùng sẽ không nâng cấp hoặc bảo trì được ứng dụng khi có cập nhật" - ông Ross nêu rõ.
Tại một cuộc họp báo hôm 18-9, ông Trump cho biết ông nghĩ rằng một thỏa thuận để giúp TikTok có thể hoạt động ở Mỹ có thể tiến triển “rất, rất nhanh”.
“Chúng tôi phải có sự bảo mật toàn diện từ Trung Quốc” - ông Trump nói và cho biết thêm rằng chính quyền đã nói chuyện với Oracle, Walmart và Microsoft.
Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào và hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có biện pháp trả đũa hay không. Từ lâu, Trung Quốc đã chặn quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội của Mỹ như Twitter, Facebook và WhatsApp mà họ không thể dễ dàng giám sát hoặc kiểm duyệt.
Trong một cuộc gọi với các phóng viên hôm 18-9 một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ đã bác bỏ ý tưởng rằng lệnh cấm sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. Ông nói rằng chính quyền đã nhắm mục tiêu các ứng dụng kể trên một phần vì chúng được sử dụng để kiểm duyệt lời nói.
Bộ Thương mại từ chối cho biết liệu các quy định có thể được sử dụng làm khuôn mẫu cho các công ty Trung Quốc khác hay không, nhưng lưu ý rằng bộ trưởng có khả năng cấm các công ty giao dịch bổ sung vì lợi ích an ninh quốc gia.
Trong thông báo của mình, Bộ Thương mại cho biết cả WeChat và TikTok đều thu thập thông tin từ người dùng bao gồm dữ liệu vị trí, hoạt động mạng và lịch sử duyệt web.
Người dùng đua nhau tải WeChat trước khi bị cấm
Theo Sensor Tower, một công ty phân tích ứng dụng, TikTok đã được tải xuống gần 200 triệu lần ở Mỹ, chiếm khoảng 9% lượt tải xuống của ứng dụng bên ngoài Trung Quốc. WeChat đã được tải xuống gần 22 triệu lần ở Mỹ kể từ năm 2014, tương đương khoảng 7% số lượt tải xuống bên ngoài Trung Quốc.
Trước thời hạn 20-9, nhiều người Mỹ đã đổ xô tải xuống WeChat. Thứ hạng của ứng dụng trong bảng xếp hạng các ứng dụng iPhone miễn phí hàng đầu đã tăng lên vị trí thứ 100 từ 1.385 vào ngày 18-9, theo Sensor Tower.
Khả năng thực thi lệnh cấm của Mỹ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ và chưa rõ liệu nỗ lực của chính phủ Mỹ để xóa bỏ Tik Tok và We chat có hiệu quả hay không. Do bởi, người dùng có thể chuyển đổi cài đặt bằng cách thay đổi vị trí người dùng ra ngoài Mỹ để tải xuống các phần mềm này.