TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Cụt Văn Ba (SN 1995, trú xã Na Loi, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) về tội Mua bán người.
Trước đó, vào tháng 6/2019, TAND tỉnh này cũng đã mở phiên xét xử và tuyên phạt Cụt Văn Huệ (SN 1978, trú huyện Kỳ Sơn) 4 năm 6 tháng tù và Cụt Thị Hạnh (SN 1974), 3 năm 6 tháng tù về tội Mua bán người.
Hạnh và Ba là hai mẹ con. Cả hai được cơ quan điều tra xác định là đồng phạm trong vụ đưa chị Moong Thị X. (SN 1994), trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc lấy chồng. Trong khi mẹ bị bắt và đưa ra xét xử thì Ba đang ở Lào nên không biết mình bị truy nã. Đến khi được bố gọi điện thông báo, Ba đã về nhà đến cơ quan công an đầu thú.
Theo trình bày của Cụt Văn Ba, chồng của X. và Ba là anh em họ. Cuộc sống hôn nhân của X. không hạnh phúc ngay cả khi cô đang mang bầu. Một ngày đầu tháng 3/2014, X. đến nhà Cụt Thị Hạnh nhờ đưa sang Trung Quốc lấy chồng với hy vọng đổi đời. X. còn yêu cầu phải trả cho cô 30 triệu đồng. Vì trước đó từng nghe con trai nói chuyện tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc nên Hạnh đồng ý tìm cách đưa X. đi lấy chồng.
Sau khi nghe mẹ nói, Cụt Văn Ba liên hệ với Cụt Văn Huệ. Trước đó Huệ cũng từng đặt vấn đề nhờ Ba tìm người đưa sang Trung Quốc bán làm vợ sẽ có tiền công. Tuy nhiên, khi biết X. đang mang thai bên Ba có phần lưỡng lự. Lúc này, Huệ nói cứ đưa người sang bán được bao nhiêu thì chia sau.
Bị cáo Cụt Văn Ba tỏ ra hối hận tại phiên tòa.
Sau đó, X. được hai đối tượng đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch giao cho người tên Hợi (hiện đã lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc). Tại xứ người, Hợi đã bán X. với giá 7 vạn nhân dân tệ (tương đương 180 triệu đồng) cho một người đàn ông bản địa lấy làm vợ. Sau đó, Hợi đưa cho Huệ 31 triệu đồng. Khi về Việt Nam, Huệ đưa cho mẹ con Hạnh 20 triệu, số tiền còn lại thì đối tượng này bỏ túi.
Lại nói về nạn nhân, sau 4 năm lấy chồng Trung Quốc, ngày 10/11/2018, Moong Thị X. trở về nhà và làm đơn tố cáo công an. Từ lá đơn tố cáo của nạn nhân, Huệ và Hạnh bị công ăn bắt giữ. Thời điểm này Cụt Văn Ba không có mặt tại địa phương nên bị công an phát lệnh truy nã.
Trước bục khai báo, Ba trình bày năm 2018 sang Lào làm ăn không liên lạc về với gia đình nên không biết bị truy nã. Mãi đến khi mẹ bị bắt, ngồi tù Ba mới nhận được thông báo của bố nên sợ hãi về Việt Nam. “Bị cáo chỉ nghĩ mình đang giúp X. vì hay bị chồng đánh đập. Hơn nữa, X. đến nhờ mẹ bị cáo đưa sang Trung Quốc lấy chồng. X. cam đoan không kiện cáo gì nên bị cáo và mẹ đã đưa sang Trung Quốc”, bị cáo khai.
Bị hại không đến tòa nhưng có đơn yêu cầu Ba bồi thường 50 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. Trước yêu cầu đó, Cụt Văn Ba cho rằng không có khả năng chi trả. “Hoàn cảnh bị cáo nghèo lắm, lấy đâu ra mấy chục triệu như vậy”, Ba trình bày.
Bị VKS đề nghị mức án cao, Cụt Văn Ba rơi nước mắt, thể hiện sự ăn năn hối hận. “Những ngày tháng bị tạm giam, bị cáo rất hối hận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo không ngờ việc làm của mình lại bị bắt vì chị X. nhờ đưa đi. Hiện nay, mẹ bị cáo cũng đang ngồi tù, gia đình khó khăn, xin tòa giảm nhẹ hình phạt”, Ba nói lời sau cùng.
HĐXX nhận định, mua bán người là hành vi vô nhân đạo, coi con người như món hàng để trao đổi, khai thác, sinh lời, một tội ác cần lên án, đấu tranh. Do đó, việc đưa bị cáo Ba ra xét xử thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Trong phiên tòa xét xử Cụt Văn Huệ và Cụt Thị Hạnh trước đó, bị hại đã yêu cầu bồi thường 41 triệu đồng và được 2 bị cáo chấp thuận, phân chia theo tỉ lệ Huệ bồi thường 21 triệu, Hạnh bồi thường 20 triệu đồng. Do vậy, không có cơ sở để chấp thuận bồi thường 2 lần cho cùng 1 hành vi.
HĐXX cũng nhận định, trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi khi đã chủ động, đồng ý sang Trung Quốc. Cân nhắc toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Cụt Văn Ba 3 năm 6 tháng tù về tội Mua bán người.
Qua phiên tòa, HĐXX cũng khuyến cáo người dân nên tự nâng cao cảnh giác, nhất là các cô gái trẻ ở các huyện miền núi không nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng để rồi phải chịu những bi kịch nơi đất khách quê người...
Xem thêm: lmth.417063-hnim-nab-ohn-uhp-iaht-cuhp-hnah-gnohk-nahn-noh/hnid-pahp/nv.ylgnoc