Thu Thanh giao hàng mưu sinh kiếm sống - Ảnh: M.L.
"Có nhiều khi tôi buồn lắm. Cũng thèm được diện váy, được mặc quần áo đẹp, son phấn như mọi người... - Giang bỏ lửng câu nói rồi cười - Mà thôi, đời shipper như tôi thì chỉ mong "nổ cuốc". "Nổ cuốc" càng nhiều càng vui".
"Thánh bào"
Trong rất nhiều bóng hồng shipper, người được gọi bằng cái tên như thế là Thu Thanh (26 tuổi, ở H.BìnhChánh, TP.HCM). Thanh không bỏ sót bất kỳ đơn hàng nào, từ đơn có tiền công chỉ 12.000 đồng cho đến những đơn hàng phải trải qua quãng đường 14 - 15km.
"Cuộc sống mưu sinh mà, phải chạy thôi. Biết bao nhiêu người thất nghiệp, mình có cuốc để chạy là may mắn lắm rồi nên phải tận dụng tối đa. Tôi không chừa bất kỳ đơn hàng nào cả. Cứ tích tiểu thành đại. Một cuốc chỉ mười mấy ngàn, nhưng chục cuốc như thế thì cũng tiền trăm ngàn", Thanh lý giải.
Mỗi ngày của Thanh bắt đầu từ khoảng 6h30 sáng, kết thúc khi app giao hàng tự động dừng hoạt động lúc 24h. Sáng, cô mua vội ổ bánh mì, vừa ăn vừa nghía màn hình điện thoại. Khi dòng chữ "Nhiệm vụ mới" xuất hiện trên điện thoại, nghĩa là có đơn hàng, Thảo bỏ bánh mì vào túi cá nhân, lo đề xe máy, lên đường.
"Dân shipper thích trời mưa lắm, dù phải co ro chạy trong mưa để giao hàng nhưng đơn hàng nhiều. Tôi chạy cũng được 18 - 20 đơn, kiếm được 400.000 đồng, có khi nhiều hơn vài chục. Còn ngày nắng thì ít hơn, kiếm khoảng 200.000 - 300.000 đồng", Thanh kể.
Giao đồ ăn thôi cũng sợ
Huỳnh Thị Ánh Thu (27 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) cho biết trong làng shipper hiện nay, lượng đồng nghiệp cùng giới chiếm khoảng 1/5 và ngày càng nhiều hơn.
Lý do là trước đây khi chọn xe ôm công nghệ làm cần câu mưu sinh, ai nấy đều thử sức ở nhiều app, từ Grab, GoViet (nay là Gojek), Bee... Họ cũng từng bật đăng ký cùng lúc ở cả ba dịch vụ -chở khách, giao hàng, giao đồ ăn để nhiều cơ hội hơn.
Nhưng sau một thời gian, đa phần giới nữ đều chọn trở thành shipper "đúng nghĩa", tức chỉ giao hàng hoặc giao đồ ăn.
"Chở khách ngồi sau, lại là khách nam, cảm thấy rất lo. Gặp khách say khướt thì ngán lắm. Lúc mới vào nghề xe ôm công nghệ, có lần tôi chở khách về một hẻm đường Phan Tây Hồ (Q.Phú Nhuận) cũng bị sờ soạng. Sau lần đó, tôi chỉ giao hàng", Thu nhớ lại.
Đặng Lê Minh An (30 tuổi, ở Q.Bình Tân) cho biết đã làm shipper được 2 năm nay và chọn app chuyên lĩnh vực giao đồ ăn, chọn giao hàng làm "bến đỗ" cho cuộc sống mưu sinh. Là bởi An ái ngại chuyện con gái làm xe ôm, vô cùng nguy hiểm mỗi khi chở người lạ vào ban đêm.
Mặc dù vậy, như lời An kể, thi thoảng cũng gặp tình cảnh tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, né được những bất trắc khi chở khách nhưng lại gặp nhiều khách "dở chứng" trong quá trình giao hàng.
Một lần, An giao vịt quay từ Q.1 sang Q.7. Địa chỉ người nhận đang có nhóm thanh niên ngồi nhậu. Đưa bịch vịt quay, An yêu cầu thanh toán thì bị ép uống, buông lời chọc ghẹo, thậm chí xúc phạm.
"Họ bảo nếu không chịu vào uống thì họ không trả tiền. Họ chỉ trỏ tôi, cố tìm cách đụng chạm cơ thể. Lần đó tôi vội quay xe về, bỏ luôn cả tiền mua vịt và tiền công", An kể lại sự cố đã từng gặp phải.
An trải lòng thêm có nhiều đồng nghiệp nữ, vì là phái yếu nên không vững chắc giống đàn ông, chạy xe yếu tay lái, đôi khi gặp những sự cố té xe ngoài đường. Nghe thấy, chứng kiến, An cũng lo.
"Nhưng mỗi người mỗi hoàn cảnh, buộc phải mưu sinh nên phải chấp nhận nghề này. Chứ thú thật, con gái mà làm shipper cũng phải đối diện với nhiều rủi ro rình rập, nhất là khi giao hàng ban đêm", An tâm sự.
"Tủi thân lắm"
Một trưa giữa tháng 9, Phan Thụy Hiền (25 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM) đếm số lượng ly trà sữa mà quán vừa làm để chuẩn bị đi giao. Nhìn thấy những cô gái trạc tuổi đang túm chụm "tám" chuyện, cười đùa trong quán, ánh mắt Hiền bỗng buồn thiu.
Hiền bảo đây không phải là lần đầu rơi vào dòng cảm xúc ấy. Hai năm làm nghề giao hàng, cô từng cả trăm lần chợt vui chợt buồn như thế. Vui vì được "nổ cuốc", buồn vì khi những người cùng tuổi kia "sao trẻ quá, còn mình mải miết ngoài đường nên có lẽ già trước tuổi".
Hỏi Trần Thị Giang (27 tuổi, quê ở Vĩnh Long) giao hàng được gần 3 năm, giỏ đựng hàng đã bong tróc và phai màu, cũ kỹ. Mỗi ngày dẫu nắng hay mưa, cô cũng đều bật app và mong chờ "nổ cuốc". Và dù mỗi khi ra đường, Giang trùm kín mít đến độ nếu người thân quen gặp ngoài đường cũng chắc khó ai nhận ra như Giang nói, nhưng làn da vẫn bị cháy nắng, sạm đen.
Giang từng cảm thấy ngại ngùng khi phận gái lại theo đuổi cái nghề shipper đầy cực nhọc này - Ảnh: M.L.
"Mưu sinh bằng cái nghề shipper chạy suốt ngoài đường như thế này nên chỉ biết đeo tất, bịt khẩu trang, áo choàng từ trên xuống dưới. Có nhiều khi tôi buồn lắm. Cũng thèm được diện váy, quần áo đẹp, son phấn như mọi người... - Giang bỏ lửng câu nói rồi cười - Mà thôi, đời shipper như tôi thì chỉ mong "nổ cuốc". "Nổ cuốc" càng nhiều càng vui".
Giang, Hiền hay An đều có một điểm chung là vẫn lẻ loi đơn chiếc chứ chẳng dám màng đến chuyện yêu đương. Hiền bảo: "Lo chạy để kiếm tiền đã. Còn chuyện yêu, tôi chưa nghĩ tới. Cứ giao hàng hết đường này tới đường kia, hết quận này sang quận nọ suốt ngày, thời gian đâu để yêu và sao người khác dám yêu cơ chứ?", Hiền nói.
Tôi đang mưu sinh bằng nghề chính đáng. Tôi kiếm được đồng tiền từ mồ hôi, công sức của mình nên chẳng gì phải ngại cả. Shipper cũng là một nghề đáng được trân trọng.
Trần Thị Giang
Tại TP.HCM, có nhiều người là nữ giới chọn shipper làm kế sinh nhai - Ảnh: M.L.
Nghề shipper "se duyên" chồng vợ
Cùng chạy xe ôm công nghệ, hiểu được những khổ cực, đắng cay của nghề, Thanh Tùng (26 tuổi) và Thị Thảo (24 tuổi, cùng quê ở Bến Tre) thương cảm nhau và kết duyên chồng vợ. Họ có một đứa con một tuổi. Cả gia đình đang trọ ở gần Bến xe miền Tây.
Mỗi ngày, cả hai thức dậy sớm, lo gởi con, rồi mỗi người mỗi xe, mỗi người mỗi app đi giao hàng. "Hai vợ chồng đôi khi gặp những người khách khó chịu, hủy đơn... thì chia sẻ cho nhau rồi động viên nhau. Nghề nào cũng vậy, cũng "trầy vi tróc vảy" mới kiếm được tiền. Mình giao hàng, họ là "thượng đế", mình nhịn một tí cũng không sao. Mỗi tháng hai vợ chồng tằn tiện thì cũng tiết kiệm được một ít", Tùng tâm sự.
Anh trải lòng thêm: "Vì đã gắn bó với nghề shipper đã được vài năm, nên chắc làm nghề này chứ không suy nghĩ kiếm công việc khác. Tôi sức dài vai rộng, cố gắng "cày" nhiều hơn. Còn vợ thì chạy mỗi ngày vài đơn là bảo về nghỉ ngơi, chăm con, chứ phụ nữ mà chạy mãi ngoài đường, xót lắm".
TTO - "Có lần "nổ cuốc" ở quán khách đông, phải chờ lâu, tôi vượt gần chục km, đem đến giao thì khách chửi, nói hủ tiếu nhũn rồi, không ăn, không trả tiền", anh Vinh kể. Nhưng đó là thử thách để có một nghề, không rơi vào thất nghiệp.
Xem thêm: mth.83691756180900202-neit-art-iom-yl-gnuc-hnel-ar-gnah-nahn-iougn-ihk-un-reppihs-iod/nv.ertiout