Đây là nhận định của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính toàn cầu dự báo về bức tranh kinh tế cả năm nay. Cụ thể, Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương 1,8% trong năm nay và có thể đạt mức tăng trưởng gấp 3,5 lần vào năm tới.
Trong khi đó, các nước khác trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương lần đầu tiên có mức tăng trưởng thấp nhất trong 60 năm qua, ở mức - 0,7%, theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Những đánh giá cho thấy sức ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch tới nền kinh tế toàn châu Á.
Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á năm nay liên tục phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 2,2% (tháng 4) xuống 0,1% (tháng 6) và mới đây là - 0,7%.
Khoảng 3/4 các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ có mức tăng trưởng âm, kể cả các nước phát triển trong khu vực như: Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc).
Một số nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và du lịch, nhất là ở Thái Bình Dương và Nam Á, phải đối mặt với sự sụt giảm ở mức hai con số.
Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế đang phát triển của châu Á có thể tránh được tăng trưởng âm. (Ảnh: FT)
Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế đang phát triển của châu Á có thể tránh được tăng trưởng âm, nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 11 năm qua. Tăng trưởng từ phía cung giảm gồm các lĩnh vực công nghiệp (giảm còn > 3%), dịch vụ (còn 1%), nông nghiệp (gần 2%). Nhìn về mặt cầu, chứng kiến sự sụt giảm mạnh các chỉ số chi tiêu Chính phủ, tiêu dùng cá nhân, doanh số bán lẻ. Đầu tư nước ngoài cũng chững lại.
Đại dịch COVID-19 kéo dài vẫn là rủi ro bất lợi lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm sau.
Thúc đẩy hồi phục tăng trưởng kinh tế
Tuy nhiên, đánh giá cũng cho thấy triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ phục hồi trở lại ở mức 6,3%, nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Những ngày này, 10% mặt bằng cuối cùng đang gấp rút giải phóng, sẵn sàng khởi công cùng lúc 3 đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam trong vài tuần tới.
Đây cũng là những dự án chuyển từ đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP sang đầu tư công. Khởi công dự án càng sớm, càng thúc đẩy giải ngân dòng vốn này, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Bộ Tài chính tính toán, ước đến hết tháng 8 đã giải ngân được gần 222.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 47% kế hoạch cả năm và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)
Cùng với đầu tư công, triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam còn được ghi nhận với cơ hội hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đơn cử với Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, khống chế dịch bệnh tốt, chi phí kinh doanh cạnh tranh và thuận lợi xuất nhập khẩu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do là 3 tiêu chí được các doanh nghiệp Nhật Bản đặt lên hàng đầu.
"Công nghệ thông tin, sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe và đồ bảo hộ y tế là những lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật ưu tiên chọn lựa mở rộng tại Việt Nam trước tiên, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO), nhận định.
Theo dự báo, kinh tế khu vực sẽ hồi phục theo biểu đồ hình L thay vì hình V, tức là quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn. Việc đảm bảo được đà tăng trưởng là thách thức không hề nhỏ.
Làm sao để vừa ngăn chặn dịch lây lan, vừa đảm bảo điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm những người yếu thế và để các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn sẽ là những điều kiện thiết yếu để đảm bảo kinh tế khu vực dần hồi phục một cách toàn diện, bền vững.
Việt Nam đã đạt được thành công trong kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong giai đoạn một và chủ động ứng phó ngay lập tức với làn sóng thứ 2.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định Việt Nam là điển hình thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc của Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc nới lỏng tiền tệ, tài khóa và nhu cầu xuất khẩu gia tăng trở lại, nên mức đà tăng trưởng hoàn toàn có thể được duy trì trong năm nay và năm sau.
VTV.vn -Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics đánh giá Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.75971358191900202-cuv-uhk-gnort-et-hnik-gnas-meid-man-teiv/et-hnik/nv.vtv