Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp về Nghị quyết 68 - Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 30-9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Nghị quyết 68/CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Chủ trì họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiễn Dũng cho hay trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính. Trong đó, đã cắt giảm được 37,31% thủ tục hành chính, tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Nhờ đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, tăng 20 bậc giai đoạn 2016-2020 theo đánh giá của WB, năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc.
Tuy vậy, ông Dũng cũng nhìn nhận thực tế là trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
"Thời gian qua báo chí cũng đặt vấn đề, chúng ta có vẻ cải cách thủ tục hành chính chững lại và cắt điều kiện này thì mọc điều kiện khác. Cắt một có thể mọc một hoặc hơn một. Cho nên phải rà soát lại toàn bộ thế nào các điều kiện kinh doanh ban hành tại các văn bản không đúng thì phải lược bỏ" - ông Dũng nhấn mạnh.
Bởi vậy, chương trình cải cách trong thời gian tới được ông Dũng nhấn mạnh sẽ tiếp cận theo cách làm mới, tổng thể. Cải cách cả ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa.
Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết có đến ba làn sóng cải cách thủ tục hành chính trong nhiệm kỳ vừa qua: gồm xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con; cắt giảm một nửa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục cắt giảm 20% điều kiện kinh doanh.
Tuy vậy, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện tại vẫn còn không ít quy định chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm nhưng môi trường kinh doanh vẫn bất hợp lý, một số bộ ngành triển khai cải cách có hiện tượng "giảm nhiệt", thủ tục và điều kiện kinh doanh vẫn còn nặng nề.
Do đó, để hiệu quả cần tăng cường đối thoại và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tháo gỡ phải đồng bộ khi mà một bản phụ lục, quy định trong biểu đính kèm cũng có thể cài cắm quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Chúng ta cứ tưởng những điều văn bản luật mới gây cản trở, nhưng có những quy định trong biểu đính kèm tưởng rất nhỏ nhưng lại gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp" - ông Lộc nói.
Định hướng cải cách, ông Lộc cho rằng hạn chế tối đa tình trạng một thông tư của một bộ, ngành có thể ảnh hưởng tới đời sống sản xuất kinh doanh người dân, doanh nghiệp. Sửa đổi cần tập trung theo hướng một luật sửa đổi nhiều luật, thường xuyên rà soát liên tục 6 tháng một lần thực hiện chứ không phải chờ vì tình hình kinh doanh thay đổi nhanh lắm.