“Nếu cà phê cần 125 năm từ khi được đưa vào Việt Nam đến khi đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu thì mắcca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đặt vấn đề, khi chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắcca tại Việt Nam, diễn ra ngày 29.9, tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”
Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định hiệu quả kinh tế và xã hội của cây mắcca, là cây giúp xóa đói giảm nghèo. Có 2 vùng có thể phát triển ổn định cây mắc ca, loại cây có yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, độ ẩm, là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các vùng khác chưa cho kết quả tối ưu “ra hoa đậu quả” hoặc không đủ diện tích phát triển hàng hóa lớn.
“Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Vậy một câu hỏi đặt ra là, đối với cây mắc ca, với tinh thần “đi sau, về trước”, vào Việt Nam khảo nghiệm, phát triển và bước đầu đã thành công thì cần 10 năm hay 20 năm tới đây để có thể trở thành cây đứng đầu thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, Hiệp hội Mắcca Việt Nam phải trả lời cho được những câu hỏi để làm sao mắc ca có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Cây mắcca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắcca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân.
Đắk Lắk mong được hỗ trợ xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vào tối 28.9. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường kiến nghị: Hiện, Tây Nguyên vẫn chưa có tuyến đường cao tốc nào vì vậy người dân tỉnh nhà đang tha thiết có tuyến cao tốc từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang (theo kết luận 67 của Bộ Chính trị). Tuy vậy, nguồn lực của địa phương vẫn đang còn hạn chế nên rất mong Chính phủ và trung ương quan tâm hỗ trợ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, khi triển khai xây dựng tuyến cao tốc kể trên thì sẽ rút ngắn quãng đường đi từ Đắk Lắk về Nha Trang từ gần 200km xuống chỉ còn 105km. Ngoài ra, dự án trên được hoàn thiện, đi vào hoạt động thì sẽ giúp thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao thương trao đổi hàng hóa và cả quốc phòng an ninh của Đắk Lắk và khu vực. Nếu xảy ra bất kỳ tình huống nào thì quân đội chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ có thể lên rừng hoặc xuống biển một cách nhanh chóng. Ngoài ra, mong Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ thương đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa Đắk Lắk với Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông để việc di chuyển, giao lưu trao đổi, mua bán hàng hóa... của người dân trong vùng được thuận tiện. Người đứng đầu Tỉnh ủy Đắk Lắk bước đầu xác định quy hoạch tuyến cao tốc kể trên gồm 6 làn xe nhưng xây dựng 4 làn với tổng kinh phí dự kiến là 19.500 tỉ đồng. Ngoài ra, việc xây dựng cao tốc là một chủ trương đúng đắn nhằm xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045... Hơn nữa, việc chủ động đề xuất xây dựng tuyến cao tốc đã cũng đáp ứng mong mỏi của đại đa số cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Tiếp nhận kiến nghị của đại diện Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nhấn mạnh: Đắk Lắk cần lập các kế hoạch trung hạn đối với việc thành lập các tuyến đường đi xuống khu vực đồng bằng. Riêng với kế hoạch triển khai xây cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Đắk Lắk cần xác định, phân tích kỹ lưỡng lại, vì sao phải làm tuyến đường này và nó mang lại những hiệu quả tích cực nào. Qua đó, chính quyền tỉnh sẽ cùng rồi bàn bạc lại với các bộ, ngành liên quan nhằm nghiên cứu phân bổ nguồn vốn đầu tư để dự án đạt được hiệu quả. Đắk Lắk cũng cần nghiên cứu kỹ việc triển khai kết nối hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh giáp ranh và đây cũng là ‘’nút thắt’’ của trung ương đối với khoang vùng phát triển khu vực này trong thời gian đến.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chủ động, sớm triển khai xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thu hút các nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu đề ra.