Cùng là những doanh nghiệp sản xuất nước sạch bán buôn lớn nhất cho Hà Nội nhưng giá nước sạch tối đa mà lãnh đạo TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019 tạm tính cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống gấp tới hơn 200% giá bán thực tế của Nhà máy nước Sông Đà. Thậm chí các lãnh đạo sở chức năng của Hà Nội từng đề xuất dùng ngân sách thanh toán cả chi phí lãi vay mà doanh nghiệp phải trả ngân hàng.
Giá nước được áp gấp tới 200%
Ngoài những dấu hỏi quanh việc Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (nhà máy Sông Đuống) có phá vỡ Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, giá nước sạch tối đa cao chót vót mà TP.Hà Nội áp dụng cho doanh nghiệp vào năm 2017 cũng như đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù cho nhà máy tới gần 200 tỉ đồng chỉ riêng trong năm 2019 cũng là những nội dung gây rất nhiều ồn ào trong dư luận thời gian qua và đặt ra câu hỏi có hay không sự “ưu ái” thái quá mà lãnh đạo TP.Hà Nội những năm trước đây từng dành cho Nhà máy Sông Đuống.
Văn bản gây rất nhiều ồn ào chính là việc UBND TP.Hà Nội vào tháng 7.2017 ký Quyết định 3310 về việc chấp nhận giá bán nước tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy Sông Đuống. Điều bất ngờ là mức giá tạm tính này lên tới 10.246 đồng/khối, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng kèm theo một lộ trình tăng giá được ấn định ở mức tối đa 7%/năm. Mức giá này dù được lãnh đạo TP.Hà Nội giải thích chỉ làm căn cứ để chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống triển khai dự án, nhưng mức giá quá cao gây rất nhiều hoài nghi về mục đích thực sự bởi ở cùng thời điểm, giá bán buôn của Nhà máy Nước Sông Đà chỉ chưa đầy 5.100 đồng/khối. Việc lãnh đạo TP.Hà Nội tạm tính một mức giá quá cao cho chủ đầu tư nhà máy Sông Đuống còn gây thắc mắc bởi theo chính Quyết định 38/2013 được UBND TP.Hà Nội ban hành trước đó, mức giá bán nước sạch tới người dân chỉ gần 6.000 đồng đến gần 8.700 đồng/khối với các hộ sử dụng đến 30 khối và chỉ với các hộ sử dụng trên 30 khối, mức giá bán mới là hơn 15.900 đồng/khối.
Cấp bù 200 tỉ đồng, tính cả lãi vay
Song phải đến cuối năm 2018, đề xuất bù giá tới gần 200 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống cho lượng nước mà nhà máy này bán ra trong năm 2019 mới thực sự gây ồn ào và không ít phản ứng trái chiều trong dư luận. Cụ thể vào thời điểm ngày 27.12.2018, một liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Tài chính TP.Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống thống nhất ký tờ trình số 9068 đề nghị UBND phương án cấp bù tạm thời 200 tỉ đồng cho Nhà máy Sông Đuống, dựa trên sản lượng dự kiến mà nhà máy này sẽ bán ra trong năm 2019.
Điều đáng nói là ở tờ trình này, mức giá bán buôn của nhà máy Sông Đuống cho các đơn vị lưu thông nước được ấn định là 7.700 đồng/khối và vẫn cao hơn nhiều giá nước bán buôn cùng thời điểm của Nhà máy nước Sông Đà. Cơ sở của đề xuất cấp bù gần 200 tỉ đồng này là do giá mua vào cao, doanh thu tiền nước so với tổng tiền mua nước đầu vào cộng chi phí lưu thông của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội bị âm (-) tới gần 156 tỉ đồng. Trong khi đó với Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, liên ngành nói cũng trên đề xuất TP.Hà Nội xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán chi phí cho doanh nghiệp này số tiền 8.871,17 đồng/khối. Và do chênh lệch hơn 1.171 đồng/khối so với giá bán buôn cho các đơn vị lưu thông nước là 7.700 đồng/khối, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống cũng cần được bù giá tới hơn 43,6 tỉ đồng cho sản lượng nước bán ra trong năm 2019.
Con số đề xuất thanh toán chi phí 8.871,17 đồng/khối cho Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống tiếp tục gây thêm các bất ngờ khi được giải thích là dựa trên tính toán các chi phí nguyên vật liệu, điện năng, nhân công, xử lý bùn thải, tỉ lệ thất thoát 3%, khấu hao tài sản cố định và cả lãi vay ngân hàng mà doanh nghiệp đang “định kỳ phải trả nợ gốc theo lãi vay”. Chưa kể mức thanh toán chi phí 8.871,17 đồng nói trên (tương ứng hơn 86% giá nước tối đa áp cho Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/khối) vẫn chưa bao gồm các chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì và lợi nhuận của doanh nghiệp…
Tuy nhiên trong văn bản trả lời công văn của UBND TP.Hà Nội liên quan đến việc cấp bù cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Bộ Tài chính khẳng định đối với khoản chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định. Riêng với việc cấp bù cho đơn vị sản xuất và 2 đơn vị lưu thông nước nói trên, Bộ Tài chính cũng cho rằng các đơn vị sản xuất - kinh doanh nước sạch chịu trách nhiệm về số liệu đưa vào tính toán. Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ của số liệu đưa vào tính toán và kết quả tính toán giá tạm tính, phương án giá của đơn vị phân phối bán lẻ làm cơ sở tính toán khoản cấp bụ từ ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo: “Trường hợp thực hiện quyết toán thuế đối với cơ quan thuế hoặc kiểm toán báo cáo tài chính với Kiểm toán Nhà nước, hoặc thanh tra, kiểm tra có những khoản chi phí không được coi là hợp lý, hợp lệ để hạch toán trong chi phí theo kết luận của các cơ quan này thì các đơn vị sản xuất – kinh doanh nước sách phải giảm giá bán tương ứng đồng thời nộp ngân sách số tiền chênh lệch”.
Đã tính đủ nên không thực hiện… cấp bù?
Sau rất nhiều ồn ào của dư luận quanh khoản cấp bù 200 tỉ đồng, điều bất ngờ dù là một trong 5 đơn vị ký vào tờ trình đề xuất bù giá của liên ngành vào tháng 12.2018, Giám đốc mới của Sở Tài chính TP.Hà Nội (từ tháng 9.2019) là ông Nguyễn Việt Hà tại một cuộc họp của Thành ủy Hà Nội vào cuối năm 2019 lại khẳng định: Mức giá 7.700 đồng/khối là mức giá hiệp thương tạm tính để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ. Cũng theo ông này, theo các Quyết định 38/2013 và 39/2013 của UBND TP.Hà Nội về giá tiêu thụ nước sạch, TP.Hà Nội đã tính đúng, tính đủ các chi phí của các đơn vị sản xuất và cung cấp nước nên… không thực hiện cấp bù. N.Văn