Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, việc phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối...) là giải pháp phù hợp và tất yếu. Với những hiệu quả thiết thực, điện năng lượng mặt trời đã và đang đi vào cuộc sống ở nhiều nơi.
Giải pháp điện mặt trời vẫn được các nhà đầu tư để ý nhưng chưa được khai thác nhiều vì không phải ai cũng có đủ tiềm lực để tham gia. Song, vẫn có những tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã vượt qua các rào cản để khởi động từ nhiều năm trước, đón đầu xu hướng sử dụng năng lượng sạch đang ngày càng phát triển và là sự lựa chọn cho tương lai.
Sao Mai khai thác năng lượng tái tạo
Tháng 5/2017, Tập đoàn Sao Mai đã đưa vào vận hành Nhà máy điện áp mái (công suất 1,06 MWp - vốn đầu tư 2 triệu USD). "Sau nhiều năm, dòng điện ấy đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm tiền điện cho Công ty CP Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (I.D.I) và quan trọng hơn cả là Sao Mai đã ứng dụng thành công năng lượng tái tạo trong chế biến thủy sản xuất khẩu", đại diện Tập đoàn Sao Mai chia sẻ.
Trong 2 năm (2019 - 2020), tập đoàn này tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang với công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trên diện tích gần 300 ha (gọi tắt Sao Mai Solar PV1). Trong đó, giai đọan I, công suất 104 Mwp, đã đóng điện thành công. Cùng thời gian này, Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Long An (Sao Mai Solar PV2) - công suất 50 MWp đã phát điện thương mại với EVN.
Lãnh đạo Sao Mai cho biết, mới đây, 106 Mwp giai đoạn II của Sao Mai Solar PV1 đã được ASM khởi động lắp đặt thiết bị chính và theo kế hoạch sẽ hòa lưới điện quốc gia trước 31/12/2020. Với cách vận hành logic và nhịp nhàng nên nguồn thu từ việc bán điện cho EVN của tập đoàn tăng trưởng đều đặn và hiệu quả cao, ngay cả khi bị tác động bởi Covid-19.
Đến hết năm nay, lượng điện năng sản xuất từ các nhà máy điện mặt trời Sao Mai dự kiến sẽ đạt gần 500 triệu KWh một năm. Sau khi hoàn thành các dự án điện mặt trời đúng kế hoạch, dự kiến, trong 10 năm tới, nhà máy sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh một năm.
Lãnh đạo tập đoàn chia sẻ thêm, đến cuối năm 2020, Sao Mai Solar sẽ bổ sung riêng cho lưới điện An Giang gần 400 triệu kWh một năm, đặc biệt đây là nguồn điện sạch. Điều này góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương mỗi năm khoảng 80 tỷ tiền thuế VAT và hơn 40 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp. Với công suất 210 MWp DC tương đương 196,3 MWp AC, giá mua điện của EVN giai đoạn 1 là 9,35 cent và giai đoạn 2 là 7,09 cent sẽ mang về cho tập đoàn gần 800 tỷ đồng tiền bán điện cho EVN trong năm 2020.
Chiến lược của Sao Mai sẽ tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện nay, tập đoàn này đã có những bước nghiên cứu, khảo sát, tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai hai dự án điện mặt trời lớn tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, trên diện tích 754 ha, công suất 875 MWp và dự án tại huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk, trên diện tích 352 ha, công suất 450 MWp kết hợp trồng cây dược liệu.
Đất kép Solar Farm
Từ những nơi có bức xạ nhiệt cao, vùng đất sản xuất chưa hiệu quả, đời sống người dân còn một số khó khăn, Sao Mai đã khai mở năng lượng tái tạo với kỳ vọng các dự án sẽ hỗ trợ địa phương, cải thiện cuộc sống người dân. Dưới hàng trăm nghìn tấm pin năng lượng mặt trời là những diện tích đất cằn cỗi dần được cải tạo lại theo hướng sinh thái để canh tác, nuôi trồng các loại sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.
Đại diện Tập đoàn Sao Mai chia sẻ thêm, Sao Mai Solar mở ra tiền đề để khởi xướng loại hình du lịch khám phá và du lịch dã ngoại ngay trong trang trại điện mặt trời. Nhà máy điện mặt trời Sao Mai nằm ở vùng bán sơn địa, sau lưng là núi trước mặt là cánh đồng mênh mông tạo nên một khung cảnh đẹp. Tại đây có nhiều tán cây cổ thụ, với những thế đứng thật độc - lạ. Lợi thế có sẵn như thế, chỉ cần đầu tư thêm một số hạng mục dịch vụ và cảnh quan, sẽ có một khu du lịch mới và hấp dẫn.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai, đâu đó ở những quốc gia văn minh, du lịch điện mặt trời dường như quen thuộc, nhưng với Việt Nam thì đây là kiểu mẫu. Những thắc mắc về cách tạo ra điện từ tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời sẽ được hóa giải bằng "tay sờ, mắt thấy, tai nghe" của du khách. Ở góc nhìn khác, đây còn là cách chứng minh về sự chuyển mình của doanh nghiệp tiệm cận với bước đi của thời đại 4.0.
Du lịch Solar Farm - một định nghĩa khác biệt về mô hình du lịch công nghệ cao hấp dẫn khách tham quan. Sao Mai Solar kỳ vọng sẽ tạo nên một xung lực mới, có giá trị xã hội và ý nghĩa quan trọng về phát triển cho toàn vùng. Nhà đầu tư này đã ôm ấp khát vọng trở thành đơn vị cung cấp điện mặt trời chiến lược cho EVN, với quyết tâm đạt mục tiêu sở hữu mô hình du lịch Solar Farm tiêu biểu ở châu Á.
Bích Vân