Chiều 29/9, Cục CSGT đã phân tích những nhược điểm, hạn chế tồn tại được khắc phục khi ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.
Liên quan đến việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, đại diện CSGT cho biết, đề xuất này để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.
Công tác quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng sẽ có nhiều điểm mới, ưu tiên sử dụng công nghệ để quản lý chặt một người từ quá trình đào tạo, sát hạch cho đến khi điều khiển phương tiện trên đường.
"Phải xem anh ta vi phạm bao nhiêu lần, gây tai nạn bao nhiêu lần, từ đó mới đánh giá thực chất được thời gian lái xe an toàn của một người, thích hợp cho việc nâng hạng giấy phép lái xe", Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục CSGT) nói.
Đại tá Đỗ Thanh Bình.
Trước lo lắng của một số người về bố trí công ăn việc làm cho các sát hạch viên sau khi chuyển nhiệm vụ sát hạch sang Bộ Công an, Đại tá Bình cho biết, hiện nay cả nước có 1.655 sát hạch viên.
Các sát hạch viên đều kiêm nhiệm công việc khác, không có biên chế riêng và chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên.
Chính vì vậy, khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an, về biên chế chỉ cần sắp xếp liên quan 650 cán bộ nói trên, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.
Trước những băn khoăn về việc, nếu Bộ Công an vừa sát hạch, cấp bằng và xử lý vi phạm thì có xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", đại tá Bình cho rằng, xử lý vi phạm giao thông đều qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân, được công khai trên hệ thống và trong khuôn khổ của pháp luật quy định. Vì vậy không có chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Mặt khác, sắp tới đây, việc xử phạt của cảnh sát sẽ được lưu giữ bằng dữ liệu điện tử.
Trước đó, Chính phủ vừa có Tờ trình dự án Luật bảo đảm TTATGT đường bộ, đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.
Đề xuất này lập tức được dư luận quan tâm nhưng cũng có nhiều tranh luận nên giao Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải quản lý việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe này.
Hoàng An
Pháp luật và bạn đọc